22:34 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

“Cậu bé vàng” toán học bỏ thung lũng Silicon về Việt Nam khởi nghiệp

| 00:04 06/10/2017

(THPL) - Từng được biết đến là “cậu bé vàng” của toán học Việt Nam, tốt nghiệp ĐH Stanford, Phạm Kim Hùng quyết định về Việt Nam khởi nghiệp. Hiện anh là CEO kiêm nhà sáng lập TechElite và BASE Inc.

Từ bỏ cơ hội làm việc ở Silicon Valley

Nhắc về Phạm Kim Hùng, dù hiện tại hay quá khứ cái tên ấy vẫn gắn với những danh hiệu luôn làm người khác ngưỡng mộ.

Sinh năm 1987, quê ở Ý Yên, Nam Định, Phạm Kim Hùng nguyên là học sinh khối chuyên Toán - Tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng đoạt huy chương vàng và bạc Olympiad Toán học thế giới, đồng thời là tác giả của một cuốn sách toán học được xuất bản bốn thứ tiếng, là cựu sinh viên của ĐH Stanford (Mỹ).

Như vậy cũng đủ hiểu cơ hội ở "xứ cờ hoa" rộng mở với Hùng thế nào. Nhưng gác lại mọi thứ, Hùng quyết định về Việt Nam thực hiện giấc mơ của riêng mình, cùng một vài người bạn đam mê khoa học, và thành lập nên startup TechElite.

CEO kiêm nhà sáng lập TechElite và BASE Inc Phạm Kim Hùng. Ảnh: Internet

Phạm Kim Hùng chia sẻ trên VTC news: “Cá nhân tôi luôn coi toán học là một ngôn ngữ tuyệt vời của cuộc sống nhưng tôi thấy hấp dẫn nhiều hơn vào “sản phẩm”, những thứ mình có thể chủ động tạo ra và có thể thấy được trực tiếp giá trị của nó đối với mọi người xung quanh”.

“Cuộc sống chính là để khám phá được giá trị của bản thân và tìm được con đường mình đi để có thể tự hào. Sự ghi nhận và danh hiệu là những thứ bên ngoài. Những điều đó không thực sự thú vị cho đến khi chính mình là người tạo ra giá trị thực sự cho người khác. Stanford không dạy tôi cách khởi nghiệp nhưng dạy tôi về cách cảm nhận cuộc sống, trân trọng những ý nghĩa thực sự và bản chất”.

Đấy cũng chính là lý do để Phạm Kim Hùng quyết định sẽ làm startup, không học tiếp tiến sĩ và cũng không chọn Silicon Valley.

Chia sẻ thêm về câu chuyện trở về nước để khởi nghiệp, quyết định với Hùng là dễ dàng nhưng khiến không ít người ngạc nhiên. Bởi lẽ một bên là đứng trước cơ hội lớn hậu thuẫn mình phát triển sự nghiệp, một bên là mảnh đất không ưu ái nhiều cho ngành công nghệ thông tin.

“Trở về là quyết định dễ dàng, đơn giản vì tôi muốn và tôi biết mình phải về Việt Nam, Việt Nam còn rất nhiều thứ mình có thể làm được. Thứ tôi quan tâm nhất là enterprise softwares, các nền tảng giúp doanh nghiệp vận hành và làm việc hiệu quả hơn” - Kim Hùng nhớ lại.

Về nước khởi nghiệp

TechElite có thể hiểu là một công ty SAAS (Software as a services – phần mềm dịch vụ), giúp các doanh nghiệp tổ chức vận hành hiệu quả, thông minh hơn.

Thành lập năm 2013, ban đầu TechElite gặp nhiều khó khăn. "Khó khăn luôn luôn song hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ban đầu chưa có gì cả, phải dùng vốn tự có của bản thân từ tài chính đến trí tuệ, quan trọng nhất là thuyết phục được những người giỏi tham gia với mình", Hùng chia sẻ.

Năm 2014, với sự giúp đỡ của Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì), startup của Phạm Kim Hùng có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư.

Từ nguồn vốn đầu tư ít ỏi ban đầu, năm 2014, TechElite của Hùng và những người bạn được các nhà đầu tư định giá 1,8 triệu USD.

Trong đó, nhiều sản phẩm mà TechElite đã và đang được ghi nhận trên thị trường như: Worktime - không gian làm việc và cộng tác nội bộ doanh nghiệp, TeamUp.vn - nền tảng quản lý dự án cho doanh nghiệp, hay Bigtime - giải pháp công nghệ toàn diện để tổ chức, quản lý và phân phối vé sự kiện.

Ra mắt nền tảng Base

Base là nền tảng doanh nghiệp mở đầu tiên tại Đông Nam Á cho phép tích hợp, hỗ trợ kết nối các ứng dụng khác nhau trong doanh nghiệp vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam, giúp việc quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Nền tảng Base.

Sau thời gian phát triển, khi doanh nghiệp lớn lên, các hoạt động trở nên phức tạp, và số lượng các phần mềm cần tích hợp ngày một tăng lên. Hệ quả là dữ liệu ngày một lớn, sự kết nối trở nên rời rạc, và các doanh nghiệp nói chung đều gặp phải bài toán khó: làm sao để đồng bộ dữ liệu và kết hợp tất cả các ứng dụng trên một môi trường thống nhất?

"Ứng dụng càng nhiều, nhân viên càng khó sử dụng, doanh nghiệp càng khó vận hành. Ngay việc nhớ tài khoản, mật khẩu của từng ứng dụng cũng đã quá khó rồi. Do vậy, chúng ta cần một tảng chung. Đó phải là một nền tảng rất mở để có thể đồng bộ tất cả những ứng dụng mà một doanh nghiệp cần dùng", Phạm Kim Hùng - Base Inc. phân tích trên Trí thức trẻ.

Nhận ra được nhu cầu này, từ cách đây nhiều năm, anh cùng các cộng sự của mình đã bắt tay tạo ra một nền tảng doanh nghiệp mở có tên là Base Platform.

Bài toán mà Base muốn giải quyết là tích hợp ứng dụng của nhiều nhà cung cấp khác nhau trên cùng một môi trường và nền tảng, dù các ứng dụng này có thể được xây dựng bằng các ngôn ngữ và cấu trúc riêng biệt. Việc dùng chung một nền tảng sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng phần mềm rất, ngoài ra danh sách các ứng dụng sẽ được cá nhân hóa theo từng người sử dụng.

Theo Aaron Levie, nhà sáng lập của Box.com – một phần mềm doanh nghiệp đình đám ở thung lũng Sillicon, tổng giá trị thị trường công nghệ dành cho doanh nghiệp trị giá 1.300 tỷ USD. Dự kiến Base sẽ mở rộng sang các nước khác trong khu vực Châu Á vào Q1/2018 sau khi đặt mục tiêu thu hút hơn 2.000 công ty Việt Nam.

Trước thời gian ra mắt, các ứng dụng của Base đã thu hút hơn 500 công ty Việt Nam sử dụng và tăng trưởng 20% hàng tháng. Base dự kiến sẽ mở rộng ra khu vực Đông Nam Á vào quý I/2018, nhắm tới thị trường hơn 5 triệu doanh nghiệp tại khu vực này.

Nhắn nhủ tới các bạn trẻ Việt Nam, Phạm Kim Hùng cho rằng, đam mê và dám chấp nhận rủi ro sẽ là 2 yếu tố giúp các founder vượt qua những khó khăn trên con đường khởi nghiệp phía trước:

"Nếu không có đam mê thì trước sau cũng sẽ từ bỏ vì quá nhiều khó khăn phía trước. Nếu không có đam mê thì câu chuyện với nhà đầu tư sẽ rất sáo rỗng và thiếu thuyết phục. Tất nhiên phải là đam mê "có hiểu biết" và rủi ro "có tính toán".

Để có được đam mê thì phải thuyết phục được chính bản thân về những giá trị sản phẩm mình tạo ra. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng điều này quả thật không đơn giản. Trước vô số những khó khăn và rủi ro, điều duy nhất giữ được sự nhiệt huyết và đam mê là niềm tin rằng ta đang làm những sản phẩm tốt, rất tốt cho tương lai".

"Startup giống như một chiếc đồng hồ cát. Những nhà sáng lập cần phải cần cù tìm kiếm thật nhiều “cát” để đổ vào. “Cát” có thể hiểu là trải nghiệm, là sự thấu hiểu thị trường và khả năng xây dựng sản phẩm. Ngày bạn “start” chính là ngày chiếc đồng hồ cát bắt đầu quay ngược. Do đó, người có nhiều cát sẽ có khả năng thành công cao hơn", CEO Base Inc. chia sẻ.

Phương Linh (t/h từ Trí thức trẻ, VTC news)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu