00:45 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cắt giảm 50% mặt hàng nhóm 2 phải kiểm tra thông quan

| 10:31 28/08/2017

(THPL) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan, hoàn thành trước tháng 6/2018.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định về kiểm tra chuyên ngành như đã báo cáo tại các văn bản nêu trên, sớm ban hành để triển khai thực hiện, bảo đảm có hiệu quả thực tế, tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sẽ cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan. (Ảnh minh họa: Internet)

Các Bộ quản lý chuyên ngành thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát và công bố đầy đủ danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam năm 2017.

Trước đó, ngày 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ, ngành về các nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan việc kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cả nước hiện có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, một năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành.

Ông Dũng cũng chỉ ra thực tế “kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp”. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới một nửa thời gian thông quan. Nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau, bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, nay một thủ tục, mai một thủ tục.

Bộ Tài chính cũng vừa đề nghị bổ sung mặt hàng nước ngọt, bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa  và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mục tiêu hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án thuế suất: phương án 1 là áp dụng mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019. Phương án 2: Áp dụng mức thuế suất 20% áp dụng từ năm 2019; trong đó, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1.

Lý giải về đề nghị này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế của Bộ Tài chính cho biết đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khoẻ bao gồm tim mạch và tiểu đường.

Do vậy, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, các nước trong khu vực đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt. Trong khi đó, các nước Châu Âu áp dụng thu thuế mặt hàng này còn cao hơn.

 Minh Nhật

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu