20:04 ngày 18/08/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cần hành động ngay để cứu ngành thép

17:18 18/08/2024

Ngành thép hiện đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ chế để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ trước hàng nhập khẩu.

Theo Báo Tin tức, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô với sản lượng đạt 20 triệu tấn. Các doanh nghiệp thép tiếp tục đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng ngành thép đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu, khi lượng thép nước ngoài liên tục tràn vào thị trường, đe dọa nguy cơ sụt giảm sản xuất và mất thị trường. Ngành thép hiện đang cần sự hỗ trợ từ các cơ chế để tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ trước hàng nhập khẩu.

Vận chuyển thép thành phẩm đến các khu tập kết tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Tập đoàn Hòa Phát). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam vẫn là quốc gia nhập siêu về thép. Sản xuất thép thô chỉ mới đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, còn thiếu hụt các sản phẩm thép chất lượng cao và thép kỹ thuật. Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, cho biết hiện nay sản xuất thép đang ở tình trạng cung vượt cầu, cùng với sự gia tăng nhập khẩu, càng làm cho sự cạnh tranh về giá cả trở nên khốc liệt hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu đạt gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, với thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Lượng thép nhập khẩu tăng mạnh và giá bán thấp đã khiến thị phần bán hàng nội địa của các nhà sản xuất thép cán nóng trong nước như Formosa và Hòa Phát giảm mạnh, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021. Giá thép nhập khẩu đã giảm từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD vào cuối năm. Điều này đe dọa nỗ lực tự chủ trong sản xuất thép chất lượng cao của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nhận định rằng trong tương lai gần, ngành thép sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh ngay tại sân nhà với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, do quy mô sản xuất nhỏ và chi phí sản xuất cao.

Phát biểu trên TTXVN, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho rằng khi chưa sản xuất được thép chất lượng cao thì việc nhập khẩu là điều đương nhiên, nhưng hiện nay Việt Nam đã sản xuất được và có sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu tình trạng thép nhập khẩu bán dưới giá thành tiếp tục, cần cân nhắc việc điều tra chống bán phá giá để bảo vệ thị trường nội địa.

Trên thực tế, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và áp dụng 22 biện pháp, trong đó có 4 biện pháp liên quan đến thép nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép khác.

Để hỗ trợ ngành thép - một ngành công nghiệp nền tảng cho nhiều ngành công nghiệp chế tạo khác, ông Phan Đăng Tuất đề xuất Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ cũng cần xem xét áp dụng các biện pháp thuế quan và kỹ thuật để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Theo chuyên gia ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, để nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, ngoài sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng cần xác định mô hình tăng trưởng bền vững, chú trọng vào chất lượng, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương nhận định rằng phát triển công nghiệp sản xuất thép lớn mạnh sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp khác và góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động. Vì vậy, cần có các chính sách phát triển ngành luyện kim và bảo vệ sản xuất trong nước theo đúng thông lệ quốc tế.

Tiến Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu