17:46 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cam sành Hà Giang cuối vụ rớt giá

Minh An (tổng hợp) | 14:55 22/03/2019

(THPL) - Hiện đã là cuối vụ cam sành Hà Giang, tuy nhiên lượng hàng bán trên thị trường vẫn khá nhiều và giá cam cũng không tăng so với thời điểm chính vụ.

Theo báo Đảng Cộng sản, trong niên vụ cam 2018 – 2019, cam sành Hà Giang được mùa nhưng giá giảm sâu và tiêu thụ chậm. Tính đến thời điểm đầu tháng 3/2019, chỉ riêng 2 huyện là Vị Xuyên và Quang Bình đã tiêu thụ được khoảng 70% sản lượng cam sành; riêng đối với huyện Bắc Quang mới chỉ tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng cam sành.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chủ vườn và các tiểu thương tại chợ Trung tâm huyện Bắc Quang và chợ trung tâm TP. Hà Giang thì giá cam sành năm nay giảm sâu, trung bình giảm từ 6.000 – 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Vào thời trung tuần tháng 3/2019, giá cam sành loại 1 tại chợ trung tâm TP. Hà Giang chỉ vào khoảng từ 13.000 – 15.000đồng/kg; giá cam loại 2 chỉ từ 7.000 – 9.000 đồng/kg.

Cam sành Hà Giang được mùa nhưng giá giảm sâu và tiêu thụ chậm. (Ảnh: Internet)

Theo báo Kinh tế & Đô thị, khảo sát tại chợ Thành Công (Đống Đa), hiện giá cam sành Hà Giang được tiểu thương chia làm 2 loại, loại 1 có giá từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, loại 2 từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Còn trên đường Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long, các tiểu thương thường bày bán cam sành thành từng đống lớn trên vỉa hè hoặc chất trên xe bán tải, đồng thời treo biển cam sành Hà Giang đồng giá chỉ 10.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương chuyên lấy cam từ chợ trung tâm huyện Bắc Quang về Hà Nội bán cho biết: Giá cam cuối vụ năm nay giảm sâu so với mọi năm. So với thời điểm này năm trước, giá cam đã giảm trung bình từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Hiện tại, cam nhập tại vườn loại 1 chỉ từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, loại 2 chỉ 7.000 - 9.000 đồng/kg. “Tuy đã là cuối vụ nhưng nguồn hàng từ các nhà vườn vẫn còn khá nhiều. Do vậy, giá cam không có nhiều biến động so với thời điểm giữa vụ. Trong khi loại quả này không giữ được lâu, khó bảo quản nên các tiểu thương không dám om hàng chờ giá lên cao” - chị Thúy cho biết.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết, tổng diện tích trồng cam sành của Hà Giang hiện nay khoảng 7.150ha. Trong niên vụ cam 2018 - 2019, cam sành Hà Giang được mùa, tổng sản lượng ước đạt 62.000 tấn, tuy nhiên giá giảm sâu và tiêu thụ chậm. Tính đến thời điểm đầu tháng 3/2019, chỉ riêng 2 huyện là Vị Xuyên và Quang Bình đã tiêu thụ được khoảng 70% sản lượng cam sành; riêng đối với huyện Bắc Quang mới chỉ tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng.

Trong thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam sành như tổ chức hội thi sản phẩm cam vào đầu vụ thu hoạch; quảng bá sản phẩm cam sành Hà Giang tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh… Tuy nhiên, do năm nay cam sành Hà Giang được mùa với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay, trong khi cam Hòa Bình, cam Vinh, cam Hàm Yên (Tuyên Quang)… cũng được mùa nên nguồn cung vượt quá nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các tỉnh, thành dẫn tới giá cam giảm hơn so với mọi năm.

Theo đánh giá của Hiệp Hội Cam sành huyện Bắc Quang: Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam sành như tổ chức hội thi sản phẩm cam sành vào đầu vụ thu hoạch; quảng bá sản phẩm cam sành Hà Giang tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng… nhưng cam sành năm nay vẫn tiêu thụ chậm và giảm giá. Ngoài các nguyên nhân chủ quan thì cam sành Hà Giang được mùa với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay nhưng cam Hòa Bình, cam Vinh, cam Hàm Yên (Tuyên Quang)… cũng được mùa nên nguồn cung vượt quá nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các tỉnh, thành.

Đứng trước thực trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang… đã phối hợp với UBND các huyện trồng cam nói chung và UBND huyện Bắc Quang nói riêng nhằm tìm kiếm giải pháp tiêu thụ  sản lượng cam sành còn tồn đọng cho người dân. Tại buổi hội thảo được tổ chức ngày 4/3 vừa qua, Sở Công thương Hà Giang đã cùng thống nhất với UBND huyện Bắc Quang tăng cường công tác quản lý tem, nhãn đối với sản phẩm cam VietGAP; tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam sành cho người dân.

Lãnh đạo Sở Công thương cũng yêu cầu Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ cam sành tại các trung tâm thương mại của các thành phố lớn, chợ đầu mối và thị trường tiềm năng trong cả nước. Các HTX cam Vĩnh Phúc và Hội trồng cam của huyện Bắc Quang duy trì các điểm bán cam hiện có, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm cam sành.

Cam sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và vị Xuyên. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, tổng diện tích cam sành của Hà Giang đạt gần 7.150 ha, trong đó có khoảng 5.190 ha cho thu hoạch và tổng sản lượng ước đạt 62 nghìn tấn (thời gian chín và thu hoạch của cam sành từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch của năm sau). Riêng huyện Bắc Quang có diện tích và sản lượng cam sành lớn nhất tỉnh (toàn huyện Bắc Quang có trên 6.000 ha cam sành, trong đó có 4.108 ha đang cho thu hoạch và sản lượng đạt gần 45.000 tấn).

Minh An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu