07:44 ngày 25/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Cấm bán gà vịt sống và giết mổ gia cầm tại chợ, liệu có khả thi?

11:33 11/01/2017

(THPL) – Bộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm. Trong đó có yêu cầu không bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ.

Trong số các quy định, một vấn đề đáng chú ý là dự thảo của Bộ Công thương đưa ra yêu cầu không bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ.

Theo dự thảo, các loại sản phẩm động vật bày bán phải được đóng dấu/tem kiểm soát giết mổ hoặc có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.

Ngoài ra, bàn bày bán sản phẩm động vật phải cao cách mặt đất ít nhất 70cm, mặt bàn được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không thôi nhiễm, không bị ăn mòn, có bề mặt nhẵn, dễ làm vệ sinh và khử trùng; có thiết bị chống các loại côn trùng, động vật gây hại.

Ảnh minh họa: Vietnamnet.

Dự thảo của Bộ Công Thương cũng nêu rõ, không sử dụng các chất độc hại để bảo quản sản phẩm; phải làm sạch và khử trùng trang thiết bị, dụng cụ bày bán, pha lọc và chứa đựng sản phẩm động vật trước và sau khi bán bằng nước sạch.

Còn cơ sở kinh doanh rau, củ, quả tại chợ phải cam kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc không phun, ngâm, tẩm các loại hóa chất cấm (không có trong danh mục được phép sử dụng theo quy định) để bảo quản rau, củ, quả; Có trang thiết bị bày bán rau, củ, quả hợp vệ sinh bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; không bày bán rau, củ, quả trên mặt sàn chợ.

Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết trên báo Thanh niên, đây là quy định được “xới” lại bởi 10 năm trước, quy định cấm giết mổ gia cầm trong chợ nội thành Hà Nội từng được đưa ra và đã "thất bại".

Ông Phú cũng đánh giá đây là ý tưởng hay, nhằm đưa chợ truyền thống đi vào khuôn khổ, đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn. Tuy nhiên, hiện nay, 80-90% người tiêu dùng có thói quen dùng hàng tươi sống, tay sờ thịt còn nóng ấm, mềm mới mua.

Trao đổi với PV của Thương hiệu và Pháp luật, chị Nguyễn Hồng Hạnh, một người nội trợ tại Linh Đàm cho biết: “Mình thường mua gà còn sống ở chợ rồi chờ làm thịt tại chỗ. Mình thấy thịt gà này tươi ngon và khi chế biến thịt sẽ săn chắc, ăn ngon hơn thịt làm sẵn, đông lạnh trong các siêu thị. Hơn nữa, ngay cả thịt làm sẵn bán tại chợ mình cũng không tin tưởng lắm về chất lượng”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Ngãi, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận định trên Vnexpress, xu hướng cấm bán gia cầm sống tại chợ là tất yếu. Ở nhiều nước phát triển, muốn ăn gà vịt thì chỉ có một con đường duy nhất là đi vào siêu thị mua sản phẩm đã chế biến sẵn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam thì chưa thể thực hiện được quy định này. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của Việt Nam chưa phát triển đủ rộng để thay thế hoàn toàn kênh mua sắm truyền thống. Đó là chưa kể, nếu con gà sống có thể đã bị lây dịch bệnh gia cầm thì khi được làm thịt sẵn sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Ví dụ, nếu làm thịt sẵn, khi tiêu thụ không hết, nhiều người bán tẩm ướp hóa chất để bảo quản cho ngày hôm sau, gây nguy hiểm hơn cho người tiêu dùng. 

TS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh: “Xu hướng là đúng nhưng ở VN hiện nay chưa phù hợp để thực hiện nên cũng khó khả thi. Chúng ta cần phải có sự chuẩn bị, chẳng hạn phát triển hệ thống kinh doanh hiện đại, sẵn sàng có đủ các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân. Đồng thời bản thân người tiêu dùng và thị trường sẽ dần dần thay đổi thói quen, nên tiêu thụ gà vịt sống cũng sẽ hạn chế hơn nhiều. Từ đó, hoạt động buôn bán gà vịt sống như hiện nay cũng sẽ thu hẹp và khi đó có thể tiến đến việc cấm hoàn toàn

Trao đổi trên báo Vietnamnet, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, tiêu chuẩn này chỉ có tính chất khuyến khích áp dụng. “Cần phân biệt rõ quy chuẩn và tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là để khuyến khích các tổ chức cá nhân áp dụng. Quy chuẩn quốc gia là ban hành, áp dụng ngay, không thì sẽ phải đóng cửa”, bà Nga giải thích.

Như vậy, tiêu chuẩn về kinh doanh thực phẩm trong chợ truyền thống chỉ mang tính khuyến khích, nhằm đảm bảo kinh doanh sạch sẽ, an toàn hơn với người tiêu dùng.

Lan Anh (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu