07:42 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cách giật tít của một số tờ báo về "cấm xe máy ở Hà Nội" khiến cư dân mạng phản ứng mạnh mẽ

| 10:38 29/06/2017

(THPL) – Nhiều ý kiến của người dân tỏ ra bức xúc và không tán thành với cách giật tít của một số báo khi dùng câu khẳng định như "đinh đóng cột": “Hơn 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy trong nội đô”.

Thời gian qua, người dân Hà Nội rất quan tâm đến việc UBND thành phố thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.

Để hoàn thiện Đề án, UBND thành phố đã giao Công an thành phố điều tra, khảo sát, phỏng vấn xã hội học với các hộ gia đình trên địa bàn. Công an TP Hà Nội đã phát ra trên 15.000 phiếu khảo sát ở địa bàn 30 quận, huyện. Thế nhưng khi giật tít, hầu hết các báo đều khẳng định chắc chắn: “Hơn 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy trong nội đô”.

Sáng nay (29/6), tài khoản Facebook có nickname Chiến Văn đăng tải lên một đoạn nội dung như sau: “Mặc dù các báo đều đưa tin với nội dung trích từ tờ trình của TP Hà Nội là: Kết quả khảo sát của Công an TP Hà Nội cho thấy, trong tổng số 15.000 phiếu khảo sát (ở 30 quận, huyện) có trên 90% người dân ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy trong nội thành.

Vậy nhưng, khi giật tít, hầu hết các báo đều chơi trò dối trá khi dùng câu khẳng định như đinh đóng cột: "Hơn 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy trong nội đô". 

Cách giật tít này dễ làm người ta hiểu lầm là tất cả người dân Hà Nội đều được hỏi và trên 90% ủng hộ. Và, chỉ cần nhìn vào cái tít, đông đảo người dân đã lên đồng phản đối, họ cho rằng Hà Nội đã lừa dối khi không hỏi ý kiến họ mà đã vội kết luận như vậy.

15.000 người dân được phát phiếu xin ý kiến trên tổng số khoảng 5 triệu dân ở Hà Nội là một tỷ lệ khá nhỏ. Cách lấy phiếu khảo sát ngẫu nhiên có thể chấp nhận được. Nhưng, cách công bố thể hiện qua việc giật tít của một số báo là không thể chấp nhận được.

Tôi tin là nếu báo chí giật tít đúng với thông tin được cung cấp, ví dụ như: 90% người dân được phát phiếu khảo sát ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân....thì chắc chắn cách phản ứng của người dân sẽ khác.

Tít báo được coi là nội dung cốt lõi của bài báo. Vậy mà không hiểu sao trước thông tin này, nhiều báo lại cố tình lèo lái thông tin như vậy? 
Với cách giật tít kiểu này, cứ bảo sao người ta không thấy mất dần lòng tin vào báo chí. Người cung cấp thông tin cũng sợ. Và người tiếp nhận thông tin cũng đầy hoài nghi và hết sức e dè.
 

Chính Báo chí đang tự làm giảm uy tín của mình, chứ không phải vì tác động gì khác”.

Ảnh chụp màn hình Facebook nhân vật. 

Ngay lập tức, đoạn nội dung đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhận được sự đồng tình của mọi người, có người còn tỏ ra bức xúc, phẫn nộ dành cho cách giật tít dễ gây hiểu lầm như trên của các báo. 

Facebook Trần Thanh Sơn bày tỏ: “Đúng là dối trá. Nếu nói 90% người dân ủng hộ thì phải là 1 cuộc trưng cầu ý dân, chứ không thể lấy kết quả khảo sát ra làm kết quả chung”.

Bình luận của một số cư dân mạng. Ảnh: internet

Cách giật tít như trên dễ làm người ta hiểu lầm là tất cả người dân Hà Nội đều được hỏi và trên 90% ủng hộ việc cấm xe máy trong nội đô. “Tôi hỏi khoảng 100 anh em của tôi nhưng chưa có ai biết về khảo sát và nếu có thì họ cũng bảo là vớ vẩn, nếu không đi xe cá nhân thì vớ vẩn quá... trò hề quá”, Facebook Thelong Nguyen chia sẻ.

Khi đưa tin về những vấn đề chung của xã hội, có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân, nếu chưa có căn cứ chắc chắn thì thay vì khẳng định, các báo nên đặt tít một cách khách quan, chính xác và cụ thể hơn, để người dân luôn thấy an toàn và có lòng tin vào báo chí. 

Trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, xu hướng cơ chế thị trường đang tạo ra áp lực gay gắt giữa việc thông tin báo chí phục vụ mục đích chính trị và xã hội hóa thông tin như một loại hàng hóa. Hơn lúc nào hết, việc mỗi nhà báo có khát khao “hướng báo chí vào lòng dân” là điều kiện cần và đủ, là kim chỉ nam giúp cho tòa soạn và các nhà báo luôn giữ được “bút sắc, lòng trong” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Thực tế cho thấy, một khi nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp sẽ được công chúng tin cậy, đó chính là điều kiện thuận lợi để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Diệu Huyền

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu