15:31 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Các ngân hàng đồng loạt yêu cầu xác thực dữ liệu sinh trắc học

15:16 25/06/2024

(THPL) - Thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã đồng loạt gửi thông báo cho khách hàng qua email, tin nhắn SMS và thông báo trên ứng dụng di động, đề nghị khách hàng cập nhật hình ảnh khuôn mặt và căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7 để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định, tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng). 

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Từ 1/7/2024, chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Ảnh minh hoạ

Trước yêu cầu trên, một loạt ngân hàng đang tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, TPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, OCB, PVcombank…

Với TPBank, đây là ngân hàng đầu tiên áp dụng công nghệ sinh trắc học từ những năm 2017 - 2018, khi TPBank tiên phong trong việc thu thập các dữ liệu sinh trắc học của khách hàng tại LiveBank 24/7, cho phép khách hàng sử dụng khuôn mặt/vân tay để xác thực các giao dịch.

Tương tự, SHB cho biết từ thời điểm này, khách hàng có thể đăng ký dữ liệu sinh trắc học tại điểm giao dịch của ngân hàng này trên toàn quốc hoặc ứng dụng ngân hàng điện tử. SHB sẽ cập nhật và bổ sung dữ liệu sinh trắc học từ thẻ căn cước công dân gắn chíp của khách hàng để bảo vệ an toàn tài khoản và đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Việc cập nhật sớm thông tin sinh trắc học từ trước thời điểm Quyết định 2345 có hiệu lực sẽ giúp khách hàng tăng cường bảo mật, chủ động các kế hoạch tài chính và tránh ảnh hưởng giao dịch trong tương lai.

Tại VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank cho hay, đã có khoảng vài trăm nghìn khách hàng chủ động cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Từ đầu tháng 6, ngân hàng đã gửi thông báo tới khách hàng, ưu tiên trước với nhóm thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu hoặc chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng căn cước công dân cũ (chưa gắn chip).

Để cài đặt sinh trắc học, người dân cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip và truy cập tính năng “Cài đặt sinh trắc học” trên ứng dụng của ngân hàng phiên bản mới nhất để thực hiện cài đặt theo các bước hướng dẫn.

Bước 1: Chọn tính năng “Cài đặt sinh trắc học” trên ứng dụng di động (app) của ngân hàng.

Bước 2: Tích chọn các chức năng và nhập hạn mức tối thiểu cần xác thực bằng sinh trắc học. Thực tế khách hàng có thể tự chọn cho mình một hạn mức nhất định dưới 10 triệu đồng nếu muốn đảm bảo hơn vệ sự an toàn cho tài khoản.

Bước 3: Chụp hai mặt của CCCD gắn chip.

Bước 4: Đọc thông tin trên CCCD theo hướng dẫn.

Bước 5: Chụp ảnh khuôn mặt để hoàn tất cài đặt.

Ngoài ra, người dân cũng có thể trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn cài đặt.

Sau khi đã thực hiện cài đặt sinh trắc học, kể từ ngày 1/7, nếu giao dịch thuộc diện phải xác thực theo quy định, người dân sẽ phải thực hiện 3 bước giao dịch xác thực bằng sinh trắc học trên ứng dụng di động của ngân hàng (app).

Bước 1: Nhập các thông tin giao dịch như thông thường (số tiền, thông tin người nhận, ngân hàng nhận…)

Bước 2: Áp dụng với các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của NHNN, ứng dụng sẽ bật camera điện thoại để xác thực hình ảnh khuôn mặt của khách hàng.

Bước 3: Nhập mã Smart/SMS OTP để hoàn tất giao dịch.

(Hướng dẫn trên chỉ mang tính chất tham khảo, có thể có khác biệt tùy theo từng ứng dụng của từng ngân hàng. Người dùng nên tham khảo kỹ hướng dẫn của ngân hàng mà mình sử dụng dịch vụ).

Cũng liên quan đến xác thực sinh trắc học, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch.

“Xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật chứ không phải hình ảnh cài trên điện thoại. Tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống. Và khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ Căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý”, ông Tuấn cho biết.

Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của căn cước công dân, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học - lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh từ ngày 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo thì cũng có thể lấy lại tiền. Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.

Thanh Mai (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu