21:56 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bổ sung học trực tuyến vào liên kết đào tạo với nước ngoài

Tú Anh (tổng hợp) | 13:49 21/07/2020

(THPL) - Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 20/7/2020, các trường đại học trên cả nước có tổng số 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, ở bậc đại học có 195 chương trình, thạc sĩ có 150 chương trình và tiến sĩ có 7 chương trình.

Một số chương trình học của các nước như Pháp 91 chương trình; Anh 71 chương trình; Hoa Kỳ 38 chương trình; Australia 27 chương trình; Đức 20 chương trình; Đài Loan 19 chương trình; Trung Quốc 10 chương trình; Hàn Quốc 8 chương trình...

Theo báo Giáo dục và Thời đại thông tin, đánh giá về các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT chỉ ra ba ưu điểm chính mà các chương trình này mang lại.

Thứ nhất, người học được theo học chương trình do phía cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài cung cấp – các chương trình được bảo đảm chất lượng bởi cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng giáo dục của nước sở tại. Chương trình học theo hệ tín chỉ của nước ngoài và người học được cấp văn bằng của nước ngoài.

Thứ hai, người học được tiếp cận những kiến thức và kỹ năng mới nhất, bắt kịp với sự phát triển của khoa học và công nghệ. Với các chương trình này người học được sử dụng tài nguyên của trường nước ngoài bằng việc truy cập vào hệ thống tài liệu, học liệu ở thư viện điện tử để học tập, nghiên cứu.

Thứ ba, các chương trình liên kết đào tạo góp phần phát triển, nâng cao năng lực quản lý điều hành, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Từ đó, góp phần đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Bổ sung học trực tuyến vào liên kết đào tạo với nước ngoài (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài theo hình thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến để có thêm những lợi ích cho người học.

Tuy nhiên, quyền Vụ trưởng cũng nhận thấy những thách thức đối với các chương trình liên kết đào tạo. Về khía cạnh tuyển sinh cho chương trình theo mô hình này, sự gia tăng các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh (như các chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo chất lượng cao, kỹ sư tài năng…), tạo nên một sự cạnh tranh đáng kể.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học là thách thức, nhưng đồng thời là động lực để các bên đối tác cùng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của chương trình. Sự xuất hiện của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng là những luồng gió mới để gia tăng cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế - xã hội.

Theo VTC News cho hay, ngoài ra PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cũng đưa ra một số lưu ý với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có liên kết đào tạo với các trườg đại học ở nước ngoài cần thực hiện đúng quy định tại Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi bổ sung năm 2018 (lưu ý Điều 45), đồng thời thực hiện đúng các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Đặc biệt, chuẩn đầu ra của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không được thấp hơn chuẩn đầu ra quy định bởi các văn bản pháp luật của Việt Nam.

Sinh viên có dự định theo học chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cần lưu ý, các chương trình liên kết đào tạo được thực hiện hoàn toàn bằng ngoại ngữ không qua phiên dịch (đa số các chương trình thực hiện bằng tiếng Anh).

Đối với trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, các chương trình liên kết đào tạo sẽ quy định cụ thể trình độ ngoại ngữ đầu vào nhưng ít nhất phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (tương đương trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu hoặc IELTS 5.5-6.5). Do vậy, người học phải chuẩn bị đầy đủ về năng lực, kỹ năng ngoại ngữ tương ứng.

Người học cần chú ý lựa chọn chương trình liên kết đào tạo hợp pháp là các chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng một quyết định cho phép thực hiện liên kết đào tạo.

Tú Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu