16:18 ngày 16/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ KH&ĐT đề xuất phạt chậm tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông

09:44 06/06/2017

(THPL) - Trong bối cảnh hiện nay, đường sắt đô thị là một bước đột phá để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ của dự án và có phương án kết nối đường sắt trên cao với các loại hình giao thông khác một cách thuận tiện cho người dân dễ đi lại.

Trong báo cáo gửi Chính phủ góp ý kiến đối với Báo cáo của Bộ GTVT về tiến độ Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), Bộ KH&ĐT cho rằng: “Các nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ đều là chủ quan, đề nghị Bộ GTVT có biện pháp bắt buộc tổng thầu phải thực hiện yêu cầu của Bộ để đẩy nhanh tiến độ, kể cả phạt chậm tiến độ”.

Một nhà ga vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Về việc này, Bộ GTVT đã nêu ra các nguyên nhân cơ bản khiến dự án chậm tiến độ: Tổng thầu chậm trễ chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật các hạng mục thiết bị.

Ngoài ra, theo Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp, chủ yếu còn lại phần lắp đặt, hiệu chỉnh thiết bị. Tuy nhiên, các công đoạn cuối này cần nguồn vốn lớn để mua và lắp thiết bị, nhưng vốn đang bị tắc.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn lên so với ban đầu khi Việt Nam vay vốn Trung Quốc và có tổng thầu Trung Quốc.

Dự án Cát Linh – Hà Đông khởi động từ năm 2004 đến nay đã hơn 13 năm, trải qua nhiều lần chậm tiến độ, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Việc chậm tiến độ không chỉ gây ra hậu quả tăng vốn mà còn làm kéo dài, gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội – một hậu quả không ai đong đếm được.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: “Đây là lỗi do trong quá trình từ khâu lập dự án, khâu triển khai dự án, ta thấy luôn luôn là bị thiếu vốn, do vốn đội lên, tiếp đó triển khai thi công rất chậm. Chính vì vậy ta thấy rằng cuối cùng bù đắp sự thiếu vốn đó bằng cách đi vay. Vấn đề ở đây là phải đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác nếu không kết nối được hệ thống đường sắt trong nội đô với các loại đường khác ví dụ như đường bộ khác thì chắc chắn hệ số sử dụng là thấp”.

Nhiều ý kiến về chất lượng của tuyến đường sắt như bị han gỉ, một số hạ mục chưa hoàn thiện. Đó chỉ là một vài yếu tố, còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác mới đánh giá khách quan được chất lượng tuyến đường sắt.

Theo ý kiến của GS.TS. Bùi Xuân Phong nguyên Trưởng khoa trường ĐH Bưu chính Viễn thông: “Quan ngại về chất lượng đường sắt nội đô còn dựa vào nhiều yếu tố, ví dụ chất lượng về đầu máy toa xe, các chất lượng khác  phải quan tâm đến như ray, trọng lượng ray như thế nào rồi số tà vẹt trên một cây số là bao nhiêu, từ những việc đó nó sẽ quyết định. Tuy nhiên căn cứ vào chất lượng còn căn cứ vào dự án đã lập từ đó mới tham chiếu đánh giá, còn nếu chỉ nhìn nhận một vài cái bên ngoài thì không thể đánh giá được hết.

Đường sắt nội đô hiện nay đã hình thành các tuyến, nhưng cần kết nối giữa các tuyến, làm thế nào kết nối nó thuận tiện. Đặc biệt các tuyến kết nối với nhau như thế nào, khai thác ra sao, vì khai thác trong nội đô khác với đường sắt quốc gia”.

Trong bối cảnh hiện nay thì đường sắt đô thị là một bước đột phá để giảm sự ùn tắc giao thông. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công bắt từ năm 2011 gồm 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, 12 nhà ga... Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2016 nhưng bị chậm tiến độ, nên chỉ chạy thử nghiệm vào cuối năm nay và khai trương vào quý 2/2018. Hiện các nhà ga trên tuyến bước vào phần thi công nội thất và chuẩn bị lắp đặt hệ thống thiết bị.

Hoà Bình.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu