07:54 ngày 11/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ GD&ĐT thẩm định sách giáo khoa lớp 6

21:36 09/09/2020

(THPL) - Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 6 gồm 128 thành viên của 12 các môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Thành phần Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Năm 2020, sau thời gian thông báo và tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 6, Bộ GDĐT đã nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 4 bản mẫu, tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu SGK.

Bộ GD&ĐT tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 6 (Ảnh minh họa)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, để tổ chức thẩm định SGK, Bộ đã ban hành các văn bản pháp lý, trong đó có Thông tư 33 (năm 2017) Ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Thông tư 23 (năm 2020) sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33.

Các văn bản này đã quy định rõ 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí trong thẩm định SGK, được Bộ GDĐT cụ thể hoá thành 40 chỉ báo. “Đây là những nội dung quan trọng, đề nghị các thầy cô nắm vững để thẩm định và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu, cho ra được những SGK cho tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý các thành viên Hội đồng thẩm định cần nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình từng môn học; hiểu rõ sự khác biệt của chương trình hiện hành so với CT GDPT mới, để từ đó thấy được cách tiếp cận của SGK mới so với sách hiện hành khác nhau như thế nào và có sự phân tích, đánh giá sách mới tốt hơn.

Với tinh thần mở trong xây dựng chương trình, Thứ trưởng đề nghị Hội đồng khi thẩm định cần trân trọng những đổi mới, sáng tạo của tác giả SGK để đảm bảo tính mở của  sách, giúp giáo viên được tự do, sáng tạo trong dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh. 

Ngoài ra, các thành viên khi thẩm định cần xem xét kỹ từng câu chữ, hình ảnh của từng bản mẫu để hiểu ý tưởng, triết lý của cuốn sách; tìm ra cái hay, cái mới, điểm sáng tạo của tác phẩm và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu tốt hơn. Trong quy trình thẩm định, Bộ GDĐT đã quy định có hoạt động tác giả trình bày, trao đổi ý tưởng của bản mẫu SGK để Hội đồng hiểu rõ về tác phẩm của mình.

Theo Vụ trưởng Vụ GD Trung học Nguyễn Xuân Thành cho rằng, SGK của CT GDPT mới không chỉ cụ thể hóa chương trình mà còn có chức năng định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; tức SGK phải hỗ trợ giáo viên sử dụng các kỹ thuật và phương pháp dạy học phù hợp. Đây là tính năng mà nhiều SGK trước đây không có.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, để cho học sinh học tốt, hình thành và phát triển được các năng lực, phẩm chất thì mỗi bài học trong SGK phải thể hiện được một lệnh nào đó để giúp học sinh khai thác được kiến thức đã có đồng thời tìm hiểu kiến thức mới và giải quyết trọn vẹn yêu cầu của bài học. Tuy nhiên, khác với CT GDPT hiện hành coi SGK như “đích đến” để tất cả các hoạt động trong lớp học chỉ xoay quanh bài học trong SGK thì CT GDPT mới SGK chỉ là một trong những phương tiện để giáo viên hướng dẫn học sinh đi đến đích là giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đồng thời nhấn mạnh, các thành viên khi thẩm định SGK phải nhìn nhận SGK trong mối quan hệ với giáo viên và học sinh. Theo đó, SGK - giáo viên - học sinh phải là mối quan hệ tương hỗ; giáo viên chỉ là người hướng dẫn học sinh tương tác trực tiếp với SGK để thực hiện các nhiệm vụ được giao chứ không phải giáo viên ở giữa để giảng từng nội dung trong SGK cho học trò ghi chép.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu