14:20 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương cảnh báo vay trực tuyến xuất hiện nhiều biến tướng

Nam Phong | 18:29 13/12/2018

(THPL) - Theo cảnh báo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương, mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng.

Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh ngân hàng, các công ty tài chính, vài năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình cho vay trực tuyến, thường được biết đến với tên gọi "vay tiền nhanh online", "vay tiền không thế chấp" hay "vay tiền không cần gặp mặt"… Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay. 


Theo đó, tùy vào mô hình mà người vay có thể xác định người cho vay là đối tác của một công ty tư vấn như mô hình của ATMonline.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn…nhưng cũng có trường hợp người đi vay không biết người cho vay là ai do giao dịch trên một hệ thống của công ty tư vấn như tima.vn; vaymuon.vn.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay do phần lớn giao dịch được thực hiện online, các thông tin người vay cung cấp có thể không được sử dụng đúng mục đích.

Trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù như để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua mạng xã hội, hoặc liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ thông qua số điện thoại người thân, đồng nghiệp...

Vì vậy, trước khi cung cấp các thông tin cá nhân, người dân cần nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng. Tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, dễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân và gia đình.

Với các khoản vay trực tuyến, trước khi chấp nhận vay tiền, người dân cần hiểu rõ các nội dung liên quan đến giao dịch như cách giải ngân, thông tin người cho vay, lãi suất...

Với một số mô hình cho vay trực tuyến, công ty tư vấn lại hợp tác với các tiệm cầm đồ. Vì vậy, người dân sẽ phải ký thêm hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí như phí tư vấn, quản lý khoản vay… khiến lãi thực tăng lên rất nhiều.

Vì vậy, người dân nên tìm hiểu xem phải trả cụ thể bao nhiêu tiền, gồm những khoản gì, cách thức tính, thanh toán và thời hạn trả...

Cũng theo ghi nhận từ đơn vị này, chi phí vay trực tuyến khá cao so với mặt bằng cho vay tại các đơn vị tổ chức tín dụng. Vì vậy, dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người dân nên đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh phát sinh nợ quá hạn dẫn tới các chi phí và tình huống đòi nợ bất hợp pháp.

Nam Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu