18:52 ngày 02/04/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Công Thương ban hành thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hóa chất

18:16 20/02/2025

(THPL) - Theo Bộ Công Thương, 3 thủ tục hành chính mới được ban hành bao gồm: Cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; Cấp điều chỉnh Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; Cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

Trước đó, ngày 8/2, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 422/QĐ-BCT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực hóa chất thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.

Theo đó, 3 thủ tục hành chính được ban hành, bao gồm: Cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; Cấp điều chỉnh Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; Cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

Về nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính, Quyết định số 422/QĐ-BCT của Bộ Công Thương đã nêu rõ về trình tự thực hiện; cách thức thực hiện; thành phần hồ sơ; số lượng hồ sơ; thời gian giải quyết; đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; cơ quan thực hiện; phí, lệ phí; kết quả thực hiện; tên, mẫu đơn tờ khai; yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính… nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan chức năng trong quá trình triển khai.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2025.

Mới đây, Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hóa chất. Ảnh minh hoạ

Công nghiệp hoá chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Chiến lược đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón...

Cùng với đó, hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh, ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất. Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.

Đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.

Tú Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác