15:38 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bảo vệ nguồn nguyên liệu cá cơm cho thương hiệu nước mắm Phú Quốc

10:49 04/12/2017

(THPL) - Sản phẩm nước mắm truyền thống nổi tiếng của huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong chiến lược phát triển do tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cá cơm.

Thực trạng đáng báo động

Vùng biển Tây Nam thuộc vịnh Thái Lan là ngư trường tập trung nhiều loại cá cơm sinh sống trong đó có cá cơm than, cá cơm sọc tiêu làm nguyên liệu sản xuất nước mắm đạt độ đạm cao nhất và ngon nhất, làm nên thương hiệu nước mắm Phú Quốc nổi tiếng suốt hơn 200 năm qua.

Khai thác quá mức, không mang tính bền vững, đánh bắt chưa đi cùng với tái tạo khôi phục và bảo vệ đàn cá tự nhiên trên ngư trường được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến việc nguồn cá cơm bị suy giảm nghiêm trọng. 

nước mắm Phú Quốc
Mỗi năm, Phú Quốc cần khoảng 40 ngàn tấn cá cơm nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 25 – 30 triệu lít nước mắm truyền thống

Mỗi năm, Phú Quốc cần khoảng 40 ngàn tấn cá cơm nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 25 – 30 triệu lít nước mắm truyền thống.  Nhưng theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu hải sản thì trữ lượng và sản lượng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam Bộ đã giảm từ 20 - 30% trong 10 năm qua.

“Cường lực khai thác cá cơm hiện nay đã vượt cường lực khai thác bền vững tối đa”, Th.s. Hồ Quốc Việt, khoa Khoa học biển và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Kiên Giang cho biết.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, phương tiện nghề lưới kéo chiếm 32%, khai thác khoảng 80% tổng sản lượng hải sản toàn tỉnh.

Số lượng đông đảo tàu cá với nghề lưới kéo chính là nguyên nhân dẫn đến suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, nguy cơ cao nhất là nhóm cá nổi như cá cơm bị đánh bắt quanh năm. Số lượng cá cơm bị hủy diệt chỉ để làm phân, chế biến thức ăn gia súc cũng không hề nhỏ. 

Nguồn cung hạn chế như vậy nên sản lượng cá cơm nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu sản xuất. Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) khẳng định “cá cơm là nguyên liệu không thể thay thế trong sản xuất nước mắm Phú Quốc”.

Vậy nên trong hơn 10 năm trở lại đây, do thiếu nguồn nguyên liệu cá cơm nên nhiều nhà thùng sản xuất nước mắm ở Phú Quốc giải thể. Năm 2011, có khoảng 100 nhà thùng, đến năm 2016 con số này chỉ còn 56. 

Những động thái mạnh mẽ

“Ngoài ngư trường cần được bảo vệ bằng những giải pháp đồng bộ hữu hiệu thì Chính phủ cần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phối hợp cùng ngư dân khai thác đánh bắt cá cơm, vừa chủ động quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào sản xuất nước mắm ngon vừa tái tạo, kiểm soát nguồn lợi thủy sản này. 

Việc khôi phục và bảo vệ nguồn lợi cá cơm trên ngư trường đang bị cạn kiệt là hết sức khẩn cấp, không những có tầm quan trọng đối với nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc mà còn có ý nghĩa đối với môi trường sinh thái biển”, ông Mai Anh Nhịn, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông tin thêm.

Các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu đánh giá lại loài thủy sản này, xác định rõ trữ lượng, sản lượng có thể khai thác đánh bắt, các vùng bãi giống tự nhiên, khu vực sinh sản. Cùng với đó, rà soát, ổn định cơ cấu tàu thuyền khai thác đánh bắt phù hợp với trữ lượng cá cơm và khả năng cho phép của ngư trường.

Đồng thời, khoanh vùng phục hồi, tái tạo, bảo tồn các hệ sinh thái và môi trường sống của cá cơm, quy định các vùng cấm khai thác, mùa vụ và kích thước mắt lưới đánh bắt cá cơm; nghiên cứu bảo tồn, phục hồi san hô, cỏ biển ở vùng, khu vực quan trọng để bảo vệ nguồn cá cơm và những loài thủy sản khác. 

Trong chiến lược phát triển và tái cơ cấu ngành thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang quy hoạch ngành kinh tế thủy sản biển theo hướng khai thác bền vững, thân thiện với môi trường. Khai thác đánh bắt kết hợp với tái tạo, khôi phục và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong đó, có nguồn cá cơm. 

07-53-40_khi_thc_qu_muc_duoc_xc_dinh_l_nguyen_nhn_chinh_dn_den_nguon_cc_com_o_vung_bien_ty_dng_bi_suy_gim_nghiem_trong_3
Nước mắm Phú Quốc với truyền thống hàng trăm năm nay sẽ được giữ gìn cho con cháu thế hệ sau.

Giải pháp cấp bách hiện nay đã được tỉnh triển khai như giảm cường lực khai thác đối với các nghề khai thác cá cơm, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác phù hợp đối với nhóm cá cơm. Đồng thời, cấm nghề lưới kéo khai thác đánh bắt tuyến bờ, quy định cường độ ánh sáng của nghề lưới vây.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ các hệ sinh thái, sinh cảnh nhạy cảm ở vùng biển ven bờ liên quan đến các khu vực bãi sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản cũng đã được thực hiện. Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong ngư dân về lợi ích của nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên biển để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, cùng chung tay khôi phục, bảo vệ và phát triển cũng đã được tiến hành song song. 

Đặc biệt, cấm triệt để khai thác đánh bắt cá cơm vào mùa sinh sản để tái tạo, phát triển bầy đàn nhanh, hạn chế những nghề đánh bắt thủy sản khác ảnh hưởng đến môi trường sống của cá cơm; thành lập các mô hình đánh bắt cá cơm khoa học, bền vững và thân thiện với môi trường; vận động các nhà thùng sản xuất nước mắm chỉ thu mua cá cơm trong mùa khai thác chính vụ, không thu mua khi cá cơm vào mùa sinh sản.

Hy vọng với những động thái tích cực và nhanh chóng như vậy, nguồn nguyên liệu cá cơm tại các vùng biển phía Nam sẽ được bảo vệ và phục hồi mạnh mẽ hơn. Nước mắm Phú Quốc với truyền thống hàng trăm năm nay sẽ được giữ gìn cho con cháu thế hệ sau.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu