21:43 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bán hàng online tại Việt Nam vào top tăng trưởng cao nhất thế giới

21:19 27/11/2017

(THPL) - Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới. Giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống.

Báo cáo "Tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh" do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố cho thấy, thương mại điện tử (TMĐT) hiện đóng góp đến 36% mức tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn cầu. Và sẽ tiếp tục tăng vượt trội so với mô hình bán lẻ truyền thống.

co-nen-tao-website-ban-hang
Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ở Việt Nam, kênh TMĐT phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của Internet. Sự gia tăng lượng người sở hữu điện thoại thông minh, cùng với đó là sự đầu tư mạnh tay của các nhà bán lẻ.

Trong năm qua, tỷ lệ người mua sắm thông qua thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8%. Giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống. Doanh thu FMCG thông qua Thương mại điện tử đạt 0,5% thị phần tại Việt Nam, tăng trưởng vượt trội 69% so với năm ngoái.

Các ngành hàng như các sản phẩm chăm sóc cá nhân và chăm sóc em bé tiếp tục thống trị giỏ hàng mua sắm trực tuyến.

Theo báo Nhịp cầu đầu tư, ông David Anjoubault, Tổng Giám đốc của Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định, dù quy mô thị trường TMĐT Việt Nam còn nhỏ so với các hình thức khác, nhưng có tiềm năng lớn vì tăng trưởng về giá trị của FMCG thông qua TMĐT đã đạt con số 69%.

Điều này làm cho Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng TMĐT cao nhất trên thế giới.

“Đây là thời điểm quan trọng để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường đầy hứa hẹn này, khi mà các ông lớn của thị trường bán lẻ hiện nay dần dần chuyển dịch vụ của mình sang bán hàng trực tuyến. Đồng thời với việc tận dụng lợi thế thương hiệu với chiến lược đa kênh để bảo vệ vị trí hiện tại”, ông David Anjoubault nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sự tin tưởng của người tiêu dùng, chi phí cao cho mô hình phân phối là những thách thức lớn cần được các doanh nghiệp giải quyết để "TMĐT Việt Nam tiến xa hơn nữa”.

Dự báo năm 2025 của Kantar Worldpanel FMCG thông qua TMĐT sẽ trở thành thị trường trị giá 170 tỷ đô, và chiếm 10% tổng thị phần. Báo cáo của Kantar Worlpanel còn chỉ ra đó là cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ thuần với các nhà bán lẻ truyền thống có thêm dịch vụ bán hàng trực tuyến.

“Chúng tôi biết rằng TMĐT vẫn đang cạnh tranh lẫn nhau với mua sắm truyền thống. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các hình thức mua sắm trực tuyến một cách độc lập - không còn là lựa chọn tốt nhất để giành chiến thắng về thị phần. Điều quan trọng là làm thế nào để kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống cùng nhau tạo ra một trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng”, đại diện Kantar Worldpanel nhận xét.

Sự  tăng trưởng lớn trên toàn cầu chủ yếu sẽ đến từ Mỹ, dự đoán thị phần thương mại điện tử sẽ tăng từ 1,5% trong năm 2017 lên 8% vào năm 2025. Điều này có thể được đóng góp bởi sự ra đời thành công của mô hình click and collect (mua online và nhận hàng tại cửa hàng gần nhất), mô hình giao hàng tận nhà và đăng ký mua hàng định kỳ, cùng những mô hình mới đang tiếp tục phát triển trên thế giới. Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tiếp tục là các thị trường dẫn đầu và châu Á nói chung vẫn là thị trường mũi nhọn. Riêng thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 0,5% lên 2,2% trong năm 2025 kết hợp với sự phát triển của kỹ thuật số.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu