11:49 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bắc Kạn: Đôn Phong trăn trở nỗi niềm "tuy gần mà xa"

| 23:36 20/08/2017

(THPL) - Xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cách trung tâm thành phố hơn chục cây số. Vào những ngày nắng ấm, khô ráo, đi xe máy cũng hết một tiếng rưỡi mới vào đến UBND xã, còn về đến thôn xa nhất cũng phải mất thêm 2 tiếng nữa. Chính sự cản trở về giao thông khiến Đôn Phong vẫn là xã đặc biệt khó khăn và như tách biệt hẳn với sự phát triển chung của toàn huyện.

Đường đi vào xã Đôn Phong vô cùng khó khăn.

Tuy gần mà xa

Khi tôi vừa đặt chân xuống thành phố Bắc Kạn, cánh xe ôm ở bến xe túm đến mời gọi. Thế nhưng nói về xã Đôn Phong thì chẳng ai bảo ai họ đều tản ra, đi tìm khách khác. Đi một đoạn mới có một bác chạy xe ôm đã có tuổi uể oải nói: “Cậu về xã Đôn Phong à, từ đây về chỉ hơn chục cây số thôi nhưng phải 100 nghìn tôi mới chạy. Cũng may hôm nay là trời nắng, chứ mưa thì có trả thêm tiền cũng chẳng ai dám vào”.

Con đường vào đến UBND xã Đôn Phong quả thật rất khó khăn, chiếc xe máy như nhảy cóc trên đường. Có những đoạn không đi nổi phải xuống dắt xe qua. Sau đúng 1 tiếng rưỡi mới vào tới UBND xã, các cán bộ xã nhìn tôi nói vui: "Nhà báo vào đến nơi không bị ngã lần nào là may lắm rồi". 

Trò chuyện với người dân địa phương, anh Triệu Tiến Vịnh (40 tuổi) cho biết: "Năm 2003, Nhà nước có sửa chữa, nâng cấp nhưng chỉ là trải đá cấp phối. Đến nay con đường đã xuống cấp nghiêm trọng, mưa thì như ao hồ, nắng thì trơ sỏi đá. Người dân chúng tôi đi lại thực sự quá khó khăn". 

Ngăn sông cách trở, nhất là vào mùa mưa.

Còn cô Hà Thị Chiên (49 tuổi) - nhà có tạp hoá kiêm xay xát thóc gạo buồn bã nói: "Người dân địa phương làm ra nông sản nhưng chẳng có cách nào đưa ra thành phố bán dù chỉ cách hơn chục cây số. Cam trồng được đấy nhưng khi đem ra đến thành phố thì sọt cam dập nát mấy phần, nên giá cũng thấp hơn những nơi khác. Còn những hôm trời mưa thì muốn đi cũng chẳng đi được".

Bác Nguyễn Văn Báo (58 tuổi) - ở ngay đầu xã cho biết thêm: "Năm ngoái, gần nhà tôi có người ốm nhưng không có cách nào đưa đi viện được. Cuối cùng gia đình đành phải để lên cáng rồi thay nhau đi bộ khiêng ra bệnh viện. Cũng may mà bệnh không nguy hiểm chứ nếu rơi vào trường hợp cấp cứu thì chắc ra đến nơi cũng chẳng kịp". 

Chính vì vậy, nguyện vọng của tất cả bà con nơi đây là có một con đường bằng phẳng không chỉ giúp nhân dân đi lại thuận tiện, dễ dàng mà làm ra sản phẩm nông sản mới có thể đem đi bán, kinh tế - xã hội mới phát triển được.

Đường vào thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong.

Bao giờ mới có đường?

Câu hỏi đó quả là khó trả lời, bởi chỉ cần nhìn vào tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 50%, thêm hộ cận nghèo nữa là trên 60%, cho dù Đôn Phong có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh với diện tích tự nhiên lên đến 12.687ha. Toàn xã có 554 hộ gia đình với 2.311 nhân khẩu; gồm 6 dân tộc anh em: Tày, Dao, Nùng, Sán Chỉ, Hoa cùng sinh sống tại 10 thôn, bản: Vén, Nà Đán, Đáu, Nà Váng, Chiêng, Vằng Bó, Nà Lồm, Lủng Lầu, Nặm Tốc, Nà Pán.

Đôn Phong có 2 con sông chính chảy dọc theo chiều dài của xã, đất đai phì nhiêu màu mỡ, khí hậu ôn hoà tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thế mạnh của địa phương là sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và phát triển cây ăn quả. Hiện nay, cùng với các xã Quang Thuận và Dương Phong, Đôn Phong nằm trong vùng phát triển cây ăn quả của huyện Bạch Thông với diện tích cam, quýt lớn nhất tỉnh (huyện Bạch Thông có trên 900ha cam, quýt).

Ông Trịnh Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Đôn Phong.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là xã Đôn Phong làm ra sản phẩm nông nghiệp nhiều nhưng không thể đem ra được thị trường hoặc không cạnh tranh nổi vì chất lượng cũng như chi phí vận chuyển tăng cao. Giá cam của Đôn Phong khi nào cũng thấp hơn hoặc khó bán hơn so với các xã khác như: Quang Thuận, Dương Phong… Khi mưa xuống, hầu hết đường giao thông xuống các thôn bản đều tê liệt bởi hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở. Đặc biệt là tuyến đường đi bản Nặm Tốc, Lủng Lầu không thể đi lại khi mùa mưa đến.

Dù tỉnh, huyện rất trăn trở với xã Đôn Phong, ngay giáp thành phố mà vẫn là vùng 135, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, dự toán làm con đường cũng lên đến trên 100 tỷ đồng, nên dù nhiều lần có kế hoạch triển khai cũng đành gác lại. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa biết khi nào con đường mới được khởi công xây dựng.

Ông Trịnh Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Đôn Phong cho biết: "Muốn phát triển kinh tế thì giao thông đi lại phải thuận tiện. Giao thông quan trọng như huyết mạch, chúng tôi chỉ cần đường về đến trung tâm xã thuận tiện, chính quyền và người dân địa phương sẽ phấn đấu không chỉ xoá đói, giảm nghèo mà sẽ vươn lên làm giàu như những xã bạn. Chương trình phát triển kinh tế thì nhiều, Đảng bộ và nhân dân quyết tâm nhưng cuối cùng cũng đành phải gác lại chỉ vì đường sá đi lại quá khó khăn". 

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu