15:46 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ai sẽ tiếp quản hệ thống rạp chiếu phim ở Vincom sau khi Platium ra đi?

16:33 23/02/2017

(THPL) – 3 cụm rạp Platinum Royal City, Platinum Times City và Platium Long Biên sẽ ngừng hoạt động, hoàn trả mặt bằng cho Vingroup từ ngày 24/2. Vậy ai sẽ tiếp quản những cụm rạp chiếu nằm ở vị trí đắc địa của hệ thống trung tâm thương mại Vincom tại thủ đô?

Đóng cửa 3 cụm rạp, MVP thua lỗ 60-70% khoản đầu tư cho dự án tại Việt Nam?

Kể từ ngày 24/2, ba cụm rạp chiếu phim Platinum là Platinum Royal City, Platinum Times City và Platium Long Biên do Công ty TNHH Truyền thông Bạch Kim MVP quản lý sẽ phải đóng cửa và xúc tiến các thủ tục hoàn trả mặt bằng cho Tập đoàn Vingroup.

Như vậy, hệ thống rạp chiếu Platinum Cineplex sẽ chỉ còn 2 rạp chiếu trên cả nước, 1 tại The Garden Hà Nội và 1 đặt tại Nha Trang. Việc đóng cửa 3/4 rạp chiếu tại Hà Nội chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Platinum, nhất là khi mất 2 địa bàn quan trọng tại Royal City và Times City, vốn là 2 khu vực đông dân cư, tập trung nhiều người mua sắm và cũng là 2 rạp lớn nhất của Platinum.

Đơn vị nào sẽ thế chân hệ thống rạp Platinum ở các trung tâm thương mại Vincom tại Hà Nội? (Ảnh: Internet)
Ông Sunil Taparia, Giám đốc tài chính MVP Indonesia cho biết trên báo Trí thức trẻ, việc đóng cửa 3 cụm rạp nói trên sẽ khiến MVP thua lỗ 60-70% khoản đầu tư cho dự án tại Việt Nam.

Đóng cửa cùng lúc 3 rạp, Platinum sẽ giảm số phòng chiếu từ 37 xuống chỉ còn 9, đồng thời số ghế từ 5.719 xuống chỉ còn 1.095. Theo tỷ lệ này, doanh thu của Platinum từ ngày 24/2 tới sẽ "bốc hơi" khoảng 80% so với trước đó.

Nói về lý do việc Công ty CP Vincom Retail chấm dứt Hợp đồng cho thuê đối với MVP, theo Tổng Giám đốc Vincom Retail Trần Mai Hoa, là do sau nhiều năm hoạt động, Platium không có sự đầu tư thích đáng nên chất lượng dịch vụ hiện tại không còn phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống trung tâm thương mại Vincom. Từ những ý kiến phản ánh của khách hàng, Vincom Retail đã có nhiều cuộc họp, trao đổi với MVP. Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, MVP vẫn không có động thái hành động để thay đổi và nâng cấp chất lượng dịch vụ, điều này ảnh hưởng đến hình ảnh, dịch vụ khách hàng của Vincom. 

Ngoài ra, vẫn theo bà Trần Mai Hoa, trong khoảng gần 1 năm nay, MVP đã nhiều lần vi phạm về tiến độ thanh toán dẫn đến khoản nợ đọng lớn. Có thời điểm, tổng công nợ của Platinum lên đến vài tỷ đồng. Vincom Retail phải gửi công văn 10 lần cho MVP thì MVP mới thanh toán công nợ. Hiện nay, Platinum vẫn còn công nợ tại Times City.

Việc chấm dứt này dựa trên cơ sở được thỏa thuận trong hợp đồng đã ký giữa hai bên, bà Hoa cho biết trên báo Zing.vn.

Ai sẽ thay thế Platinum chiếu phim ở các TTTM Vincom tại Hà Nội?

Rạp chiếu phim là điểm nhấn ở các trung tâm thương mại hiện đại, vì vậy, ngay sau khi Vincom Retail chấm dứt hợp đồng với MVP, đã xuất hiện nhiều đồn đoán về những đơn vị sẽ “nhảy” vào tiếp quản những cụm rạp nằm ở vị trí “vàng” này.

Có ý kiến cho rằng, chính Vingroup sẽ trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực chiếu và phát hành phim, bởi lẽ, năm 2015, đại diện tập đoàn CJ Hàn Quốc nhận định Việt Nam đã chính thức trở thành "thị trường trăm triệu USD" khi tổng doanh thu phòng vé đạt 130 triệu USD, tương đương hơn 2.800 tỷ đồng. Vingroup đang có sẵn “lợi thế sân nhà” khi cuối năm 2016, tập đoàn này đang nắm trong tay khoảng 50 trung tâm thương mại trên cả nước thì việc đầu tư thêm vào lĩnh vực đang rất tiềm năng tại Việt Nam không có gì quá khó hiểu.

Tuy nhiên, những “đại gia” như CGV, Lotte hay BHD cũng được dư luận bàn tán nhiều về khả năng tiếp quản những cụm rạp mà MVP phải bàn giao lại mặt bằng cho Vincom Retail.

Tin tức trên Zing.vn cho biết, cả 3 CGV, Lotte, BHD đều đã ít nhiều hợp tác với Vincom Retail tại các dự án trung tâm thương mại trên cả nước. Với CGV là Vincom Nguyễn Chí Thanh, Vincom Bà Triệu, Vincom Thủ Đức… Với Lotte là Vincom Thái Bình, Vincom Hải Phòng… Với BHD là Vincom Thảo Điền và Vincom Phạm Ngọc Thạch.

CGV và Lotte có lợi thế là 2 hệ thống rạp lớn nhất Việt Nam, chiếm lần lượt 40% và 23% thị phần. Cả hai đơn vị này cũng có dịch vụ khá tốt, đúng với tiêu chí tìm đối tác mới của Vincom Retail.

BHD thì có quy mô nhỏ hơn hẳn 2 đối thủ trên nhưng lại có lợi thế là doanh nghiệp Việt Nam, hiểu người tiêu dùng. Doanh nghiệp này cũng đang có một cuộc cách mạng để thay đổi chất lượng dịch vụ và mở rộng thị phần. BHD đã hợp tác với Vincom Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) mở rạp chiếu phim. Do đó nếu BHD “tấn công” những Vincom khác ở Hà Nội thì cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện BHD khẳng định "hoàn toàn không liên quan đến vụ việc vừa xảy ra giữa Platinum và các bên khác".
Đại diện hãng cũng cho biết chưa nhận được mời thầu và chưa tham gia việc thế chân Platinum tại các cơ sở của Vincom. BHD hiện có cổ phần với riêng cụm rạm Platinum The Garden, không phải với toàn hệ thống Platinum.

Trong khi đó, đại diện CGV không phủ nhận ý định mở rộng hoạt động tại Hà Nội. Đơn vị này cho biết đang cân nhắc thuê mặt bằng của Vincom sau khi Platinum rút đi.

Theo chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội, đăng ký thay đổi lần thứ 7, ngày 16/3/2016, Công ty TNHH Truyền thông Bạch Kim M.V.P là đơn vị đang quản lý hệ thống rạp chiếu phim Platinum.

Theo giới thiệu trên trang web chính thức của Công ty TNHH Truyền thông Bạch Kim M.V.P, công ty được thành lập bởi tập đoàn Multivision từ Indonesia – nhà sản xuất, phân phối phim Hollywood, Bollywood có tiếng tại thị trường Đông Nam Á và Châu Á, đã và đang hoạt động tại các quốc gia Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Ấn Độ, Cam-pu-chia, Myanmar và sắp tới là Lào.
Có mặt tại Việt Nam từ tháng 1/2011, Platinum có 5 cụm rạp tại Hà Nội và Nha Trang, 34 phòng chiếu. Theo kế hoạch trước đó, đơn vị đặt ra năm 2016 có 10 cụm rạp trên toàn quốc.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu