08:15 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

3 tỉnh Nam Trung Bộ cấm biển, sơ tán dân tránh bão số 14

| 16:16 18/11/2017

(THPL) – Trước diễn biến phức tạp của bão số 14, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các ban, ngành, địa phương khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 19h tối nay.

Tỉnh Bình Thuận đã ký công điện khẩn, cấm tàu thuyền ra khơi. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng vừa ra lệnh cấm các phương tiện trên biển hoạt động sau 21h hôm nay (18/11).

Theo thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, trưa 18/11, UBND tỉnh Khánh Hòa ra công điện khẩn về việc ứng phó cơn bão số 14. Theo đó, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão trên khu vực phía đông, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 và đang mạnh dần lên.

Dự báo đến 4h sáng 19/11, bão số 14 sẽ cách bờ biển Khánh Hòa, Ninh Thuận 150km. 

bao-so-14
Vị trí cơn bão số 14 lúc 12h trưa ngày 18/11. Ảnh chụp màn hình.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát lại phương án đối phó với bão; chỉ đạo kiểm tra lại việc neo đậu, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão.

Đồng thời, các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại sau cơn bão 12, để chuẩn bị đối phó với cơn bão số 14. Khẩn trương tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ tốc mái, sập nhà, trước 19h tối 18/11. Cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 12h ngày 18/11.

Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cũng cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ chiều 18 đến hết ngày 20/11.

Cùng ngày, ông Phạm Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đã ký công điện khẩn, cấm tàu thuyền ra khơi phòng tránh bão số 14 kể từ 10h sáng nay.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Bộ chỉ huy Biên phòng, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thông tin, liên lạc đến các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết hướng đi của bão, có phương án tránh trú an toàn.

bao-12
Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ. Ảnh: news.zing,vn

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để thông báo đến người dân có phương án sản xuất, phòng tránh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập chứa nước.

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh này vừa ra lệnh cấm các phương tiện trên biển hoạt động sau 21h hôm nay (18/11). Đặt biệt, chú ý đến các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển phải có phương án di dời hoặc chằng cột cẩn thuận. Cấm người dân ở lại trên các nhà chòi, lồng nuôi, tàu thuyền trên biển.

Theo báo VOV, trước diễn biến phức tạp của bão số 14, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận về việc triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ ứng phó với bão số 14.

Công văn nêu rõ:

Bão số 14 đang di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, khu vực ảnh hưởng rộng, đặc biệt là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, ngoài ra kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa lớn. Để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1786 ngày 18/11/2017 nhằm ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và rút kinh nghiệm sâu sắc từ những thiệt hại do bão số 12 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khẩn trương tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách sau:

Một, chỉ đạo việc tổ chức cấm biển trước 15h hôm nay (18/11).

Hai, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và hướng dẫn tàu thuyền thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc neo đậu tàu thuyền tại bến bao gồm cả tàu thuyền vận tải, tàu vãng lai nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo, vùng cửa sông ven biển.

Ba, kiên quyết sơ tán người dân trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản lên bờ trú tránh đảm bảo an toàn; Trường hợp cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Bốn, chủ động sơ tán, di dời dân ở vùng thấp trũng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Năm, kiểm tra, hướng dẫn chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn, nhất là đối với khu vực tập trung nhiều người lao động nước ngoài, khách du lịch vãng lai.

Sáu, kiểm tra, xác định các hồ chứa xung yếu có nguy cơ mất an toàn; các phương án ứng phó khi có sự cố, phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Bảy, yêu cầu các đài phát thanh, truyền hình của địa phương, đặc biệt là đài phát thanh, truyền thanh phường, xã tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến của bão, công tác chỉ đạo ứng phó của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để người dân chủ động ứng phó.

Tám, báo cáo kết quả thực hiện những công việc trên cụ thể về số lượng tàu thuyền, số dân di dời, bản tin đã phát của đài phát thanh, truyền hình tỉnh... về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai) trước 17 giờ hôm nay (18/11).

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu