08:47 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD trong 10 tháng qua

16:17 29/10/2022

(THPL) - Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng 2022 đạt gần 616,24 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2022 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đồng thời bàn các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số vấn đề quan trọng khác.

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. 

Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ: Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường, tình trạng lạm phát cao và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới gia tăng, lãi suất, tỷ giá biến động mạnh,...  nhưng tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng của nước ta tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Theo đó, cả nước cơ bản giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng, giảm bớt áp lực giá cho doanh nghiệp, người dân; chủ động điều hành giá điện, xăng dầu và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý; giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cơ bản bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước.

Chính phủ đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh hơn của thị trường quốc tế. Đến ngày 25/10 tín dụng tăng 11,48% so với cuối năm trước; điều hành tỷ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10/2022 tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt gần 178,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 10. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đáng chú ý, công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân tiếp tục được làm tốt. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Công tác phòng, chống dịch COVID-19, các dịch bệnh khác tiếp tục được chú trọng; dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát, giảm nguy cơ “dịch chồng dịch”, là nền tảng quan trọng để tiếp tục phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch.

Đặc biệt, công tác thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng đạt gần 616,24 tỷ USD, tăng 14,1%, tính chung 10 tháng xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 20,2%, loại trừ yếu tố giá tăng 16,1%. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh, khách quốc tế 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 18,8 lần cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế trong 10 tháng qua cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Việc tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch COVID-19, mức bình quân 10 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019. Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng do định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và nhiều quốc gia. FDI đăng ký cấp mới mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng, nhưng tính chung 10 tháng vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ. Cân đối xăng dầu trong nước còn tiềm ẩn rủi ro, tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động cầm chừng, thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số địa phương...

10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước

Cũng mới đây, Tổng cục Thống kê đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, theo đó, CPI tháng 10/2022 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35% trong rổ CPI. Ảnh minh họa

Báo cáo cũng thể hiện, giá thuê nhà tăng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao, một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023 đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước.

Trong mức tăng 0,15% của CPI tháng 10/2022 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35%. Chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 2,64% so với tháng trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023 đối với các trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69% (làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm) do sinh viên bắt đầu đi học nên nhu cầu thuê nhà tăng cao làm giá tiền thuê nhà ở tăng 8,85%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,49% do công sơn tường, lát gạch, xây tường, công lao động phổ thông tăng và nhu cầu xây dựng tăng cao; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34% do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá đô la Mỹ tăng cao.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13% (làm CPI tăng 0,04 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 0,13% (làm CPI chung tăng 0,005 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 0,1% (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21% (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm) do giá nguyên liệu chế biến cao.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,06%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%

10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

Ngược lại, 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:

Nhóm giao thông giảm 2,17% (làm CPI chung giảm 0,21 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 03/10/2022, 11/10/2022; 21/10/2022 và còn ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh giảm trong tháng 9/2022 làm cho giá xăng giảm 5,99%; giá dầu diezen giảm 0,6%.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Minh Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu