16:27 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân trẻ: “Hạt giống đỏ” của làng nghề

11:44 01/02/2017

Vừa được kế thừa kỹ năng nghề truyền thống từ ông cha, vừa được tiếp thu công nghệ mới và sự giao thoa văn hóa, các nghệ nhân trẻ đang từng ngày vận dụng óc sáng tạo, bàn tay tài hoa để tạo nên những sản phẩm độc đáo, khác biệt nhưng vẫn đượm nét truyền thống của dân tộc.

Kết tinh giữa truyền thống và hiện đại

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về Bát Tràng (Hà Nội) - làng gốm nổi tiếng về cả bề dày lịch sử lẫn sự phát triển. Bận rộn là điều có thể cảm nhận rõ trong sự đông đúc, ồn ào của chợ gốm, ở mỗi gia đình, mỗi xưởng sản xuất. Chúng tôi tìm gặp anh Trần Văn Độ - người mới được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2016.

Nghệ nhân Trần Văn Độ khá nổi danh khi là người phục chế thành công dòng men cổ nổi tiếng tại Bát Tràng. Chia sẻ về nghề, anh nói: Ở Bát Tràng, mỗi người thợ, mỗi gia đình có sở trường khác nhau. Có người chú ý sao cho nước men sáng màu, ít vẽ trang trí. Có người lại chỉ để tâm đến những kiểu tráng men 2 lớp trong một sản phẩm hoặc sáng tạo để cho ra lò sản phẩm gốm thô, gốm men chảy… Còn anh lại say mê phục chế những hình khối, màu men cổ.

Những nghệ nhân trẻ góp phần gìn giữ và phát huy nghề truyền thống.

Sau 17 năm nỗ lực mày mò, kết hợp giữa bí quyết truyền thống với cách pha màu hiện đại, Nghệ nhân Trần Văn Độ đã tạo ra rất nhiều dòng men quý hiếm, trong đó có hàng chục loại men cổ. Riêng dòng men ngọc, anh đã sở hữu tới 12 công thức pha chế khác nhau, trong số đó có dòng men nâu trầm từ trước đến nay chưa hề xuất hiện ở Bát Tràng. Nhờ pha chế thành công loại men này, anh đã phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê.

Cũng là một trong những “bàn tay vàng” thế hệ mới của làng nghề đúc đồng truyền thống thị trấn Lâm (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), Nghệ nhân trẻ Dương Bá Tân đã thành danh với hàng loạt giải thưởng lớn như: Huy chương vàng - Sản phẩm công nghệ mới năm 2003; Quả cầu vàng - Tinh hoa Việt Nam năm 2003; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2006; Huy chương vàng - Hội chợ triển lãm Huế năm 2009.

Nói về cái nghề đầy bụi bặm, vất vả này, Nghệ nhân Dương Bá Tân say sưa tâm sự: Kỹ thuật đúc đồng truyền thống rất phức tạp, tỉ mỉ và phải dựa vào bàn tay, con mắt và kinh nghiệm. Để có sản phẩm đạt chất lượng, đầu tiên phải làm mẫu tốt, khuôn tốt. Cái khó nữa là làm sao để sản phẩm sau khi hoàn thiện phải giữ được thần khí, nếu đó là đúc tượng.

Điều đó đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu cả về hội họa, tạo hình, điêu khắc, với kỹ năng nghề nghiệp cao mới có thể tạo ra sản phẩm như mong muốn. Đặc biệt, việc làm nhẵn, bóng bề mặt và làm màu cho sản phẩm để bảo quản trong thời gian dài nhất ở ngoài trời cũng phải được dựa trên những bí quyết, kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác và những hiểu biết về vật lý, hóa học... “Tôi may mắn sinh ra tại đất nghề, lại được chỉ dạy chu đáo nên chỉ muốn đem hết tâm huyết, sức lực của mình để vực dậy và phát huy nghề truyền thống làm giàu cho chính mình và cho quê hương” - anh Tân khiêm tốn nói.

Nghệ nhân Trần Văn Độ và Dương Bá Tân là 2 trong số 100 nghệ nhân được vinh danh tại Lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức. Như lời chia sẻ của ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Các nghệ nhân không chỉ là báu vật nhân văn sống mà còn giữ vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển tinh hoa nghề.

Hạt nhân cho phát triển

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, từ năm 2010 trở lại đây, lớp nghệ nhân trẻ phát triển rất nhanh, chiếm tới 35% trong tổng số nghệ nhân được phong tặng. Nghệ nhân trẻ có kỹ năng và năng lực ứng dụng công nghệ, tạo sự giao thoa rất tốt giữa truyền thống và hiện đại. Các nghệ nhân không chỉ là những người làm nghề, mà còn là những chủ doanh nghiệp, đây cũng chính là những “hạt giống đỏ” thúc đẩy làng nghề phát triển.

Nhiều sản phẩm đặc trưng làng nghề đều có dấu ấn bàn tay tài hoa của những nghệ nhân.

Có thể kể tới hàng loạt những nghệ nhân - doanh nhân trẻ đã thành danh như: Nghệ nhân Nguyễn Hùng - Chủ doanh nghiệp đá Nguyễn Hùng tại làng nghề đá Non Nước (Đà Nẵng), Nghệ nhân Trần Đức Tân - Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (Hà Nội), Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến - Chủ cơ sở sản xuất gốm làng Ngòi (Bắc Giang)…

Số liệu từ Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho thấy, hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,9 tỷ USD hàng thủ công mỹ nghệ sang 159 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Quan trọng hơn, lĩnh vực này đã tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động chủ yếu ở khu vực nông thôn. Thu nhập của người lao động tại các làng nghề cao hơn từ 2 - 3 lần, thậm chí 5 lần so với làng thuần nông. Những con số ấn tượng này đã và đang có sự góp sức không nhỏ từ đội ngũ nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân trẻ tại các làng nghề trên cả nước.

Phát biểu tại Lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những đóng góp của các nghệ nhân. Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, các nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đã dành nhiều tâm huyết, công sức vào việc giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống của dân tộc. Các nghệ nhân đã và đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Baocongthuong

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu