03:55 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lúa sạch Bến Tre đắt hàng, nông dân thu nhập khá

07:12 03/01/2018

(THPL) - Không chỉ cư dân trong tỉnh mà doanh nghiệp, du khách, người dân ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Tiền Giang... cũng tìm đến huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để mua lúa, gạo sạch. Để có được lúa, gạo sạch, những người nông dân miệt... biển này đã chuyển đổi tập quán canh tác sang hòa hợp với thiên nhiên: sống chung với mặn!

Theo báo Sài Gòn giải phóng, những năm gần đây người dân ở các xã An Điền, An Nhơn, Mỹ An, An Thạnh, An Quy, An Thuận... thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã biết sống chung với  mùa nước mặn - sáu tháng bị nước mặn họ tổ chức nuôi tôm sú và cua biển, sáu tháng nước ngọt thì trồng lúa kết hợp nuôi cá. Với tổng diện tích trên 7.000 héc ta, việc canh tác lúa - tôm khởi đầu ở ấp An Hòa, xã An Nhơn và nơi này được xem là nôi của vùng lúa sạch.

Tháng 11 âm lịch nước mặn thì thả nuôi tôm sú, cua biển. Từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch thì gieo lúa. Người dân ở đây tận dụng nước mặn, ngọt canh tác quanh năm. Tôm, cua biển ở đây được nuôi quảng canh, ăn gốc gạ, phiêu sinh vật trong nước mà lớn nên cũng là tôm, cua sạch.

mo-hinh-tom-lua_13
Mô hình thâm canh lúa tôm mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân. (ảnh minh hoạ)

Chân ruộng sản xuất lúa sạch được giữ nước đến chân lúa để nuôi cá phi, cá chẽm, cá nâu, cá kiền, cá bóng cát, tôm càng xanh... nên người nông dân ở đây tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lúa ở đây sản xuất theo quy chuẩn VietGap. Khi phát hiện ruộng lúa có sâu rầy, họ mở cống cho nước vào ngập ngọn lúa, sâu rầy chết làm mồi cho cá; khi triều xuống, họ mở cống cho sâu rầy còn lại theo dòng nước trôi ra ngoài. Chi phí tính ra ít hơn so với làm ruộng dùng phân, thuốc hóa học. Từ nuôi trồng gần gũi với thiên nhiên, thiên địch sinh sôi nảy nở nên sâu rầy cũng ít đến phá hại đồng lúa này.

Ông Hồ Văn Cương, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn, cho biết: Ba năm trước đây tỷ lệ hộ nghèo ở xã An Nhơn là 30%, nay chỉ còn 6%, nhiều nhà tường thay nhà lá, cuộc sống đang đổi thay từng ngày với cách canh tác mới, hòa hợp với thiên nhiên.

Chuyển sang sản xuất tôm, lúa sạch, những người nông dân ở đây đã gắn kết với nhau, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng, thông báo dịch hại trên đồng, giá cả sản phẩm trên thị trường... Ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, cho biết: Các địa phương trồng lúa sạch đã hình thành 29 tổ hợp tác tôm lúa, lúa sạch. Tháng 9/2016, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể lúa sạch Thạnh Phú cho 17 hộ dân thuộc tổ hợp tác lúa sạch Thạnh Phú, xã An Nhơn. 


Không dừng ở mô hình tổ hợp tác, tháng 3/2017, các địa phương trồng lúa sạch đã thành lập Hợp tác xã (HTX) lúa, tôm Thạnh Phú. Đây là HTX kiểu mới, bước đầu có 82 xã viên, đưa 171 héc ta đất vào hợp tác. Sau chín tháng hoạt động, đã có thêm 15 người xin vào HTX, diện tích đất canh tác tăng lên thành 218 héc ta. Các thành viên HTX đều có giấy chứng nhận sản xuất lúa sạch VietGap.

Theo TTXVN, ông Trịnh Văn Lạng, Giám đốc hợp tác xã lúa tôm Thạnh Phú cho biết, hợp tác xã có 82 thành viên với số vốn điều lệ là 300 triệu đồng, diện tích sản xuất lúa tôm là 106ha. Dự kiến, sản lượng lúa sản xuất giai đoạn 2017 - 2021 mỗi vụ khoảng 530 tấn và sản lượng tôm nuôi kết hợp trong diện tích lúa ước mỗi vụ khoảng 12 tấn. 
Xã An Nhơn có khoảng 1.000ha diện tích trồng lúa tôm đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Nhiều nhất là các giống lúa OM 4900, OM 6162, OM5451, nàng hoa 9, Đài thơm 8… ở các xã An Nhơn và An Điền Mỹ An, An Qui, Thạnh Phong. 
Tại buổi hội nghị, Công ty Lio Thái và Công ty Lương thực tỉnh Bến Tre cam kết bao tiêu sản phẩm lúa sạch cho hợp tác xã lúa tôm Thạnh Phú. 
Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Công ty Lương thực tỉnh Bến Tre cam kết, Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm lúa sạch của hợp tác xã theo đơn hàng của các doanh nghiệp.

Tới đây HTX này sẽ xây kho chứa phân, kho chứa lúa, nhà máy xay xát, kết nạp thêm xã viên vì nhiều nông dân trồng lúa sạch đang có nguyện vọng vào HTX. Hiện tại, HTX đang làm trung gian mua lúa sạch của xã viên. HTX chỉ hợp đồng với đơn vị mua giá cao là Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty Lương thực Bến Tre, giá mua trong năm 2017 đối với lúa OM là 7.300 đồng/kg và lúa Đài thơm 8 là 7.600 đồng/kg.

Trong khi đó, nông dân bán cho thương lái bên ngoài thì bị ép giá, chỉ bán được 5000-5.500 đồng/kg. Các doanh nghiệp mua lúa sạch với giá cao nhưng vẫn có lãi vì gạo sạch bán trên thị trường hiện tại có giá tới 25.000 đồng/kg, cao gấp hai lần gạo ngon thường.

Lúa sạch Thạnh Phú được người tiêu dùng ưa chuộng, hiện không đủ cung ứng cho thị trường, ông Trịnh Văn Lạng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX lúa, tôm Thạnh Phú, cho biết.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu