01:32 ngày 29/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xúc động chương trình “Kí ức mùa thu”- kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô

17:41 07/10/2019

(THPL) - Sáng 6/10, chương trình “Ký ức mùa thu” diễn ra tại sân Cột Cờ, khu di sản Hoàng Thành Thăng Long. Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỉ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954.

Chương trình “Ký ức mùa thu” diễn ra tại sân Cột Cờ. Được biết, cách đây 65 năm, cũng chính tại nơi đây diễn ra lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng do Uỷ ban Quân chính thành phố tổ chức. Hàng trăm nhân chứng lịch sử đã có mặt tại đây trong sự xúc động, bồi hồi của ký ức những ngày thủ đô được giải phóng.

 

Hàng trăm nhân chứng lịch sử đã có mặt tại đây trong sự xúc động, bồi hồi của ký ức những ngày thủ đô được giải phóng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Qúy, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trong không khí hân hoan hướng đến kỉ niệm 65 năm năm ngày giải phóng thủ đô, chương trình là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng của dân tộc, tri ân những nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ngày 10/10/1954 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Là ngày để mọi người dân nhớ về một thủ đô anh hùng đã đi vào lịch sử


Phát biểu tại phần giao lưu cùng nhân chứng lịch sử, nhiều nhân chứng đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về những ngày thu lịch sử ấy. Nhìn lại 65 năm, Nhà sử học Dương Trung Quốc phó chủ tịch hội khoa học lịch sử Việt Nam bây giờ nhớ lại những cảm xúc sau 9 năm kháng chiến: “Khi đó mình mới có 8 tuổi. Cái tuổi ấy hiểu biết chưa nhiều, nhận thức chưa sâu nhưng chắc chắn kí ức có những cái không thể nào quên được. Tâm trạng của người Hà Nội lúc đó dùng đúng chữ là ngổn ngang. Niềm vui cũng có, nỗi lo cũng có, đau buồn cũng có. Có những người biết người thân của mình đã hi sinh trong kháng chiến. Có những người chào đón người thân trở về. Không khí của khu phố ấy, trong nỗi ngổn ngang ấy nhưng họ vẫn chờ đón, chờ đón ngày giải phóng như một niềm khát khao, một niềm hi vọng. Ngày hôm đó tôi rất nhớ là ở trong nhà và cứ nghe ngóng là khi nào có tiếng ồn ào ở đầu phố từ phía bờ hồ là mọi người mở cửa ra, bắt đầu thò cái cờ ra. Sau đó là nhìn ra thấy có bóng dáng quân ta hoặc là không có quân Pháp thì ùa ra cửa. Cứ thế như dây chuyền từ phố này sang phố kia. Tôi không vào được trong khu vực này nhưng vẫn đứng ở nhà thờ cửa Bắc. Đó là những kí ức mà không thể nào quên được.”

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 10/10/1954, khi toàn bộ lực lượng các đơn vị của Pháp đã rút hết khỏi thành phố Hà Nội. 5h sáng ngày 10/10 từ nhà hát lớn vang lên một hồi còi dài báo hiệu chiến tranh đã hết. Cả thành phố nhộn nhịp. Nhân dân thủ đô đã đổ ra những khu phố chính để đón đoàn quân chiến thắng trở về.

Trung úy Nguyễn Quang Tròn- Nguyên chiến sĩ tiểu đoàn 79, trung đoàn thủ đô, đại đoàn 308 vừa là người chiến sĩ vừa là người tham gia lễ chào cờ lịch sử đó. Nhắc về những kí ức ngày ấy, Trung úy bồi hồi nhớ lại: “Sáng ngày 10 chúng tôi chào cờ tại vườn hoa Ba Đình lịch sử. Đến 3h chiều tập chung tại sân cột cờ để chào cờ . Ngày giải phóng thủ đô thì tinh thần là được đơn vị tập trung và ăn mặc chỉnh tề. Lúc bấy giờ không có quân hàm, chỉ đeo sao. Mà sao là đeo sao vải viền trắng, viền vàng bằng vải ở trên mũ bộ đội. Tối ngày 9/10 nhân dân hoan hô, vẫy đón nhưng chỉ ở trong nhà thôi không được ra đường tức là ở trên gác, chỉ ở trên vẫy cờ để chào bộ đội thôi. Đến ngày 10/10 tất cả nhân dân ồ ra đường, cờ quạt hân hoan và vẫy chào bộ đội về giải phóng thủ đô. Hôm đó nhân dân, bộ đội hân hoan đón chào ngày giải phóng rất xúc động.

Mọi người trang nghiêm dự lễ chào cờ thiêng liêng của Tổ Quốc.

Trong buổi lễ trang trọng ấy, người dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ thiêng liêng của Tổ Quốc. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội hân hoan, tưng bừng trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu trong kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Diễn ra trong khuôn khổ chương trình bên cạnh lễ chào cờ lịch sử được tái hiện lại, giao lưu nhân chứng lịch sử, nhiều hoạt động trưng bày “Hà Nội mùa thu năm ấy”, chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử” diễn ra với không khí long trọng, trang nghiêm. Giúp người xem hồi tưởng về Hà Nội trong những năm tháng nếm mật, nằm gai để có được những giờ phút huy hoàng giải phóng thủ đô.

Là người trẻ tham gia chương trình, bạn Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham gia chương trình này và đặc biệt được chứng kiến lễ chào cờ lịch sử tái hiện lại. Tôi thấy rất xúc động, tự hào vô cùng về những người cha anh mình đi trước đã hi sinh xương máu trong kháng chiến. Qua cái chương trình này tôi nghĩ mọi người cũng như mình. Thêm yêu tổ quốc mình hơn, dân tộc mình hơn gấp nhiều lần.

Một số hình ảnh tại sự kiện. 

Lê Huyền

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu