08:11 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vụ “đạo nhái” cầu Thượng Cát: Chỉnh sửa thiết kế hay chọn phương án khác?

Hùng Minh | 18:24 16/04/2024

(THPL) – Thiết kế cầu Thượng Cát đang gây tranh cãi sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu phương án hình thái ngôn ngữ kiến trúc mới để điều chỉnh. Tuy nhiên, ý kiến này liệu có thực sự hợp lý?

Ấn tượng ban đầu của hình khối

Một công trình kiến trúc đẹp sẽ tạo ra ấn tượng mạnh mẽ thông qua hình khối và ý tưởng. Đối với các công trình cầu thì càng cần thấy rõ điểm nhấn về hình khối hơn. Nhiều cây cầu đã trở thành biểu tượng của cả thành phố, thậm chí là cả quốc gia. Ví dụ như Cầu Tháp London – công trình cầu treo kết hợp độc đáo với cầu nâng bắc qua sông Thames. Hay cầu Pont Neuf ở Pháp là cầu đá với kết cấu vòm ấn tượng do vua Henri III xây từ năm 1578. Ở Việt Nam cũng có nhiều cây cầu đẹp đã trở thành biểu tượng, điểm nhấn của thành phố. Có thể nói về các cây cầu đã có ở Hà Nội như Cầu Long Biên, Cầu Nhật Tân, Cầu Thăng Long… hay Cầu Rồng ở Đà Nẵng, và Cầu Vàng ở núi Bà Nà – cây cầu được đánh giá ấn tượng bậc nhất trên thế giới.

Giải nhất "Cánh chim hòa bình" - Liên danh TEDI-CUBIC (Cầu Thượng Cát)

Chính vì sức ảnh hưởng của hình khối các công trình mang lại mà mỗi cây cầu lại càng được dư luận công chúng quan tâm. Khi công bố hình ảnh thiết kế ý tưởng cầu Thượng Cát đạt giải nhất với tên gọi “Cánh chim hòa bình”, nhiều người đã so sánh nó với thiết kế cầu Thạch Hãn 1 ở Quảng Trị có tên gọi “Đón bình minh”.

Dù khác nhau ở số nhịp cầu nhưng hình khối của cả 2 thiết kế này đều mang tới cảm giác liên tưởng tới chữ V đang hướng lên trời. Trong các hội nhóm cộng đồng kiến trúc đã “nổ” ra nhiều cuộc thảo luận gay gắt. Thậm chí có tài khoản cho rằng: Nếu dùng tên “Đón bình minh” và thuyết trình cho cầu Thượng Cát hoặc ngược lại dùng tên “Cánh chim hòa bình” để nói về cầu Thạch Hãn cũng không phải không hợp lý. Chỉ khác về câu chuyện thương hiệu cây cầu mà đội ngũ thực hiện ý tưởng thôi.

Tại cuộc họp báo ngày 28/3, Phó giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết, Sở QH-KT Hà Nội đã phối hợp với hội đồng thi tuyển để báo cáo vụ việc này đến UBND thành phố. Kết quả kiểm tra thể hiện 2 cầu này có sự khác biệt về bản chất chứ không phải giống nhau. Theo đó, về quy mô, các nhịp cầu cũng như trong bối cảnh, vị trí cảnh quan có sự khác nhau.

Theo ông Nguyên, dù đảm bảo quy trình thi tuyển nhưng thành phố đã giao Sở QH-KT Hà Nội hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội nghiên cứu phương án để thiết kế cầu Thượng Cát có ngôn ngữ, hình thể kiến trúc và hình thể nhịp cầu có sự khác biệt. Và phương án thiết kế mới này phải được Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP.Hà Nội thông qua.

Ông Phó giám đốc Sở QH-KT Hà Nội (ảnh Khắc Hiếu)

"Các thành viên đang gửi lại ý kiến và đang trong quá trình tổng hợp, từ đó Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố sẽ ra kết luận để hoàn thiện, đảm bảo triển khai theo đúng chỉ đạo của thành phố. Theo đó, sẽ nghiên cứu phương án hình thái ngôn ngữ kiến trúc cầu Thượng Cát để có khác biệt, tránh việc dư luận cho rằng có 2 cầu giống nhau", ông Nguyên cho biết thêm.

Nên chỉnh sửa thiết kế hay chọn phương án khác?

Mỗi cây cầu được xây nên sẽ có câu chuyện thương hiệu của riêng cây cầu đó. Phương án “Cánh chim hòa bình” của Liên danh TEDI-CUBIC được đạt giải nhờ vào ý tưởng thiết kế bao gồm cả hình khối và tính khoa học, khả thi của cây cầu. Nhiều người lo lắng việc “chỉnh sửa hình thái ngôn ngữ” để khác biệt với phương án đạt giải (cũng tức là khác với phương án bị nghi đạo nhái là Cầu Thạch Hãn 1) sẽ tạo ra một thiết kế mới với phần hình khối mới và có thể phần kết cấu cũ.

Dù các nhịp cầu hay hình khối có thay đổi như thế nào thì cũng không thể xóa ngay những ấn tượng ban đầu của người dân khi biết về bản phối cảnh của ý tưởng này. Ngoài ra, một điểm trùng hợp là cả 2 bản thiết kế thắng giải nhất (“đón bình minh” của cầu Thạch Hãn 1 và “cánh chim hòa bình” của cầu Thượng Cát) đều là của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI). Ở bản thiết kế cầu Thượng Cát, TEDI có liên danh cùng với Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC). Nhiều người cho rằng, đây sẽ là cơ sở gây ra ảnh hưởng lớn về truyền thông khi cây cầu được hoàn thiện

Sau khi điều chỉnh hình thái ngôn ngữ kieens trúc mới, thì đây có còn là phương án đạt giải hay không?

“Thủ đô Hà Nội là chỉ có một thôi! Nên những công trình được lựa chọn là phải độc đáo, không giống thế giới và càng không nên giống các cây cầu ở Việt Nam!” - ông Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội QH Phát triển Đô thị Việt Nam) thành viên ban giám khảo cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu cho biết.

Trước đó, ngày 11/10/2021, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản chấp thuận đề xuất tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Nguyên nhân là do phương án Cầu Trần Hưng Đạo theo kiến trúc mang phong cách cổ điển “xứ Đông Dương” thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Đặc biệt, phương án này cũng do công ty TEDI thực hiện.

Đơn vị chức năng sau khi tìm kiếm kỹ lượng thì đã lựa chọn được phương án mới thay thế cho phương án của TEDI – là phương án được nhiều người dân và truyền thông ủng hộ

Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo từng gây lùm xùm vì mang phong cách cổ điển “xứ Đông Dương” (Công ty TEDI thực hiện)

Ngoài phương án đoạt giải nhất của Liên danh TEDI-CUBIC thì Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu cũng còn có các phương án đạt giải hai và giải ba. Đây cũng là những phương án có thể được xem xét, nghiên cứu và đưa vào phương án thay thế hợp lý nếu cần thiết

Hai phương án giải 2 và giải 3 của cuộc thi thiết kế ý tưởng cầu Thượng Cát

Với những lum xùm không đáng có của sự "giống nhau" giữa phương án cầu Thượng Cát "Cánh chim hòa bình" và phương án cầu Thạch Hãn 1 "Đón bình minh" - Dư luận đặt ra câu hỏi về việc nên hay không nên giữ lại phương án đã gây ra “lùm xùm đạo nhái” của chính mình rồi lại chỉnh sửa để thi công?

Và nên hay không nên tìm kiếm một phương án mới phù hợp hơn, xuất sắc hơn để người dân có thể tự hào khi kể về câu chuyện thương hiệu của cây cầu Thượng Cát?  

Hùng Minh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu