07:03 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam sắp nhập khẩu 1 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tuần

10:35 21/06/2021

(THPL) – Theo tin từ Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam cho biết, dự kiến từ tháng 7 tới, mỗi tuần sẽ có 1 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam. Trước đó chiều 20/6, Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero-Cell của Sinopharm.

Được biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc mua vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất, Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) nhập vaccine về theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Đây là số vaccine nằm trong thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine của công ty từ khi vaccine này đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. VNVC là đơn vị đầu tiên đưa hơn 176.000 liều vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca về Việt Nam từ cuối tháng 2. Đến cuối tháng 5, 288.000 liều khác tiếp tục được chuyển về Việt Nam. Tất cả số vaccine này được chuyển cho Bộ Y tế phục công tác chống dịch theo hình thức phi lợi nhuận.

Sắp tới, Việt Nam sẽ có 1 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tuần (ảnh minh họa)

Báo VTV Online đưa tin, sau khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4, lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu Bộ Y tế gấp rút đẩy nhanh tiến độ đàm phán để nhập khẩu vaccine COVID-19, cùng với đề nghị chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội qua các cuộc điện đàm, gửi thư và hội đàm trực tuyến với lãnh đạo các nước tạo điều kiện để Việt Nam mua vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ở Việt Nam. Đến nay, việc đàm phán với các đối tác ở Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đang có kết quả tích cực.

Liên quan đến vaccine COVID-19, báo Thanh niên đưa tin, theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ nguồn của Covax facility. Số vắc xin này sẽ được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và các tỉnh có khu công nghiệp.

Với nguồn vắc xin nhập khẩu, từ nay đến hết quý 3, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua Công ty VNVC. Ngoài ra, theo thông báo của Pfizer, trong quý 3, hãng dược này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vắc xin, số còn lại sẽ tập trung trong quý 4. Tuy nhiên, thời gian và số lượng cụ thể có thể thay đổi do phụ thuộc tình hình thế giới. Như vậy, từ nay đến tháng 9, Việt Nam có thể nhận thêm 3 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và 3 triệu liều của Pfizer.

Trước đó chiều 20/6, được sự ủy quyền của Chính phủ, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero-Cell của Sinopharm và 502.400 chiếc bơm kim tiêm chủng dùng 1 lần, loại 1ml. Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long đại diện Việt Nam nhận bàn giao hàng viện trợ.

Theo đó, vaccine Vero Cell của Sinopharm dự kiến sẽ được ưu tiên tiêm cho 3 nhóm gồm:

- Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam;

- Người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc;

- Người dân khu vực biên giới.

Trước đó, vào ngày 3/6, Việt Nam đã chính thức cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Vero Cell của Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19.

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 3 loại vaccine COVID-19, bao gồm gần 4 triệu liều AstraZeneca từ nguồn mua của VNVC, Chương trình COVAX Facility và 1 triệu liều do Nhật Bản tặng; 2.000 liều vaccine Sputnik V do Nga tặng và 500.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc viện trợ. Ngoài Sinopharm, Việt Nam đã cấp phép cho 3 loại vaccine khác bao gồm AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã tiêm được 1,55 triệu liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên và công nhân, trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là 59.608 người. Các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai, yêu cầu tiêm xong trong tháng 6.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu