06:07 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2025

14:35 08/09/2020

(THPL) - Ngày 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên giải trình "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn 5%/năm) và nhiệt điện than (chỉ còn 10%/năm). 

Nguyên nhân chủ yếu là do thủy điện đã khai thác hầu hết, nhiệt điện than gặp khó khăn trong công tác xây dựng. Năng lượng tái tạo dù có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành nhưng tỉ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.

Ngoài ra, điều đáng lo là các dự án nguồn điện, đặc biệt là nhiều dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bị chậm so với quy hoạch. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ gần 60%. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư, đưa vào vận hành nhưng thực tế hàng loạt dự án điện lớn đã không được thực hiện.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, những nguyên nhân này dẫn đến việc hệ thống điện bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nguồn điện dự phòng, kéo theo nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021 - 2025 (ảnh minh họa)

Hạn chế tiếp theo là mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho sản xuất điện, do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030.

Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8 - 10 tỉ USD, trong khi đó, các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ…).

Báo Người lao động cho hay, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công Thương kiến nghị QH xem xét ban hành một nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đồng thời, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện. Xem xét tiếp tục chấp thuận bảo lãnh Chính phủ hợp lý cho các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT…

Được biết cũng tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành có đặt câu hỏi: Bao giờ mới hết tình trạng bù chéo trong giá điện giữa các nhóm khách hàng? Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quan điểm của Chính phủ là giữ giá điện cho sản xuất ở mức thấp để thu hút đầu tư dù tỷ trọng tiêu thụ của nhóm khách hàng này chiếm tới 50% tổng sản lượng cả nước. Tuy nhiên, việc giữ giá điện thấp với sản xuất kéo theo tình trạng có nhiều ngành như xi măng, sắt thép với công nghệ không hiện đại thâm dụng điện năng rất lớn, tạo gánh nặng cho nền kinh tế.

“Thời gian tới giá điện sẽ được xây dựng theo hướng hạn chế tình trạng bù chéo này. Đến 2024 sẽ không còn câu chuyện can thiệp về giá, không có chuyện bù chéo các mức giá điện giữa các vùng miền, các lĩnh vực. Còn giá có giảm hay không thì không ai dám chắc do phụ thuộc nguyên liệu đầu vào”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Theo báo Tiền phong, về việc giá điện phải theo thị trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn 1 đã được vận hành. Thị trường bán buôn điện cũng vận hành từ 1/1/2019. Nếu không làm tốt thì không thể có thị trường bán lẻ. “Hiện nhiều địa phương không ủng hộ điện than, chuyển sang đầu tư điện mặt trời, điện gió nhưng…rất mang tính phong trào”, ông Hiển nhận xét.

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng vấn đề an ninh năng lượng đang gặp nhiều thách thức lớn. Bởi các nguồn tài nguyên như than, dầu khí, thủy điện… đã đến giới hạn, khả năng khai thác để tăng sản lượng rất khó khăn, không còn nhiều dư địa.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu