12:33 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

VEPR dự báo GDP năm 2018 ở mức 6,65%

| 07:20 17/01/2018

(THPL) - Theo dự báo của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, GDP năm 2018 ở mức 6,65%...

Bản báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 4 và năm 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố một lần nữa phản ánh một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 khoảng 6,65%.

Cụ thể, trong đó quý I/2018 tăng trưởng 6,02% và lạm phát 4,41%. “Những mục tiêu cho năm 2018 có thể đạt được nhưng với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì”, nhóm nghiên cứu nhận định.

GDP năm 2018
Theo dự báo của VEPR, GDP năm 2018 ở mức 6,65%. Ảnh minh họa.

Trước đó, các chỉ tiêu được Quốc hội giao cho năm 2018 là: Tăng trưởng GDP 6,5-6,7%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7-8%, tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, CPI 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 33-34% GDP…

Năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Trong đó, GDP cả nước ước tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu đã đề ra là 6,7%. Trong khi lạm phát cả năm được kiểm soát ở mức thấp, trái với những dự đoán về gia tăng lạm phát trong quý cuối năm do sự điều chỉnh giá các mặt hàng như y tế, giáo dục và xăng dầu.

“Điều này phản ánh chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng như nỗ lực của các cấp trong việc kiềm chế giá cả thị trường”, TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR bình luận.

Đáng chú ý cán cân thanh toán tổng thể thặng dư đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn. Dự trữ ngoại hối cao giúp NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này tiếp tục đặt ra thách thức cho NHNN trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô trong thời gian tới.

Một thành công nữa của Việt Nam trong năm qua là môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện tích cực. Chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố được cải thiện mạnh mẽ. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017-2018 tiếp tục nhảy 14 bậc, phản ánh kết quả tích cực của ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư. Điều đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo VEPR, nền kinh tế đang gặp phải lực cản là động lực tăng trưởng vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động; thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao. Về năng suất lao động, VEPR đánh giá chỉ bằng 1/4 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan. Trong khi đó, lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu…

VEPR khuyến nghị năm 2018, Việt Nam cần sử dụng nhiều nội lực hơn để làm động lực cho tăng trưởng. Chính phủ phải quyết liệt thắt chặt chi tiêu thường xuyên bằng cách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu