00:18 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhac sĩ U90 Vĩnh Cát chịu chơi khi quy tụ dàn nghệ sĩ tên tuổi thực hiện Live concert “Ngôi Sao Hà Nội”

14:49 28/03/2019

(THPL) - Đêm nhạc "Ngôi sao Hà Nội" diễn ra tối 6/4 tới đây tại Hà Nội sẽ là món quà âm nhạc nhiều ý nghĩa mà những người thực hiện muốn được gửi đến khán giả và tri ân người thầy, nhà giáo nhạc sĩ Vĩnh Cát.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát được biết đến là vị nhạc sĩ tài ba của mảnh đất Hưng Yên nói riêng và của làng nhạc Việt nói chung. Ông là niềm tự hào của người con xứ nhãn. Với những ca khúc để đời như: “Sa Pa thành phố trong sương”, “Vườn nhãn quê hương”, “Ngôi sao Hà Nội”,..., tên tuổi người con mảnh đất phố Hiến ấy đã đi cùng năm tháng của biết bao nhiêu thế hệ. 

85 tuổi, ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn rất minh mẫn, hài hước và dí dỏm, nhất là khi nói về âm nhạc, ông vẫn như một chàng trai của những năm tháng say đắm với những nốt nhạc đầy hứng khởi thanh xuân. Thế nhưng trong những lời chia sẻ về Live concert Ngôi sao Hà Nội để đời của mình nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn rất khiêm tốn, mộc mạc đúng chất người con quê nhãn Hưng Yên.  

Buổi họp báo Ngôi sao Hà Nội của nhạc sĩ Vĩnh Cát.

Xuất hiện tại cuộc gặp gỡ báo giới chiều 27/3 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám để chia sẻ về đêm nhạc của mình, nhạc sĩ Vĩnh Cát khiến mọi người ngạc nhiên bởi sự trẻ trung, hóm hỉnh và minh mẫn của ông. Ông mặc áo sơ mi trắng, đầu đội mũ phớt. Cách nói chuyện chân phương mà dí dỏm của ông rất hấp dẫn người nghe. Ông tự nhận, đây là lần hiếm hoi ông diện bộ trang phục nom đã thấy phong trần lãng tử với quần âu, áo sơ mi có dây đai kèm theo chiếc mũ phớt đội trên đầu.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát giải thích, từ trước đến giờ ông đã qua nhiều vị trí lãnh đạo trong ngành văn hóa, “ăn mặc bệ vệ ra phết” nên ông khá ngần ngại khi đạo diễn Phạm Hoàng Giang – người sẽ giúp ông dàn dựng đêm nhạc này đề nghị ông mặc bộ trang phục này. Phong cách phong trần lãng tử, ông không quen tuy nhiên khi nghe đạo diễn Phạm Hoàng Giang giải thích rằng “làm liveshow thì phải lãng tử, càng trẻ trung khán giả càng thích”, ông bị thuyết phục và vui vẻ đồng ý mặc.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát.

Ở tuổi 85 nhưng khi được hỏi về âm nhạc, nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn hồ hởi. Ông nói, nhiều người nói ông trẻ như mới ngoài 60, dù chẳng biết họ nói thật hay đùa, nhưng ông cũng tự thấy mình trẻ, khỏe mạnh được như bây giờ là nhờ tinh thần lạc quan với cuộc sống, nhờ tình yêu với âm nhạc. Tuy bây giờ ít sáng tác nhưng ông vẫn nghe nhạc thường xuyên. Đó gần như là nguồn cảm hứng để ông luôn thấy yêu đời và vui vẻ.

Chia sẻ về việc đặt tên Live concet để đời của mình là Ngôi sao Hà Nội, nhạc sĩ Vĩnh Cát nói: "Bài hát Ngôi sao Hà Nội của tôi viết cho tới bây giờ còn nhiều người biết, nhiều người thuộc. Ai cũng biết sao Hôm, sao Mai chỉ là một ngôi sao nhưng xuất hiện hai thời điểm sớm tối khác nhau. Tôi thấy mình là một ngôi sao không tên. 85 tuổi rồi, muốn làm một đêm nhạc kỷ niệm dấu ấn với bạn bè, người thân về một nhạc sĩ già rồi nhưng vẫn rất yêu đời và chịu chơi. Tôi rất vui mừng vì nhận được sự đồng thuận của gia đình, sự giúp sức của bạn bè, đồng nghiệp. Đó là lý do vì sao tôi lại lấy tên cho liveconcert của mình là Ngôi sao Hà Nội".

Trong buổi họp báo, nhạc sĩ vùng đất Ân Thi, Hưng Yên cũng thật thà cho biết, ông có gửi lời mời một số ca sĩ đến với mình trong buổi gặp gỡ lần này, song người vướng lịch biểu diễn ở nơi khác ngoài Hà Nội, người thì cáo lỗi vì có việc bận nên không tới được, chỉ có duy nhất ca sĩ Tùng Dương – người ông nghĩ “đắt show nhất” không mời lại có mặt tham gia họp báo cùng ông. Điều đó có thể xem là cái duyên giữa ông và Tùng Dương.

Tiếp lời nhạc sĩ Vĩnh Cát, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ, dù đang đi trên đường và bận rộn khá nhiều công việc nhưng khi nhận được tin nhắn từ một người bạn và biết nhiều nghệ sĩ vì bận không thể có mặt trong cuộc gặp gỡ này với nhạc sĩ Vĩnh Cát, anh lập tức vòng xe lại để “phi” đến ngay.

“Với Tùng Dương thì nhạc sĩ Vĩnh Cát thực sự là một trong những tượng đài âm nhạc của nền âm nhạc Việt Nam. Năm 2003, khi còn đang là sinh viên của trường Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), tôi tham gia cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội” và giành giải cao nhất khi thể hiện 2 ca khúc “Ôi quê tôi” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn và “Sapa thành phố trong sương” của nhạc sĩ Vĩnh Cát. Sáng tác này của nhạc sĩ Vĩnh Cát cũng là một nhạc phẩm mà tôi rất yêu thích và tới giờ vẫn hát mỗi khi có dịp”, Tùng Dương chia sẻ.

Ca sĩ Tùng Dương.

Tới đây trong đêm nhạc của ông, Tùng Dương cũng ngỏ ý muốn hát lại ca khúc này như một sự nhắc lại, gợi nhớ kỷ niệm đã gắn bó với anh trong cuộc hành trình âm nhạc từ những ngày đầu tiên và xin hát không cát-sê trong chương trình nhưng không được vị nhạc sĩ đồng ý.

Được biết, Liveshow concert nhạc sĩ Vĩnh Cát - Ngôi sao Hà Nội sẽ là nơi hội tụ của nhiều gương mặt với giá trị nghệ thuật cao như: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, Trọng Tấn, NSƯT Lan Anh, NSƯT Phạm Phương Thảo, Phúc Tiệp, Đinh Trang cùng tốp ca nam nữ Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng kết hợp với nhạc nhẹ và đàn dân tộc. Đặc biệt là sự góp mặt của nam ca sĩ Tùng Dương.

Chia sẻ về đêm nhạc sắp tới, đạo diễn Phạm Hoàng Giang cho biết, anh khá hồi hộp khi thực hiện chương trình này để làm mới những tác phẩm cũ là điều không dễ dàng, nhất là khi làm việc với người nhạc sĩ đáng kính và nghiêm túc như nhạc sĩ Vĩnh Cát.

“Ngày đầu tiên nhận ‘đề bài’ này, tôi thấy đây quả thực là một bài toán khó, nên dù từng làm không biết bao nhiêu chương trình rồi nhưng vẫn thấy bị run. Có điều tôi tự nhủ sẽ phải làm đêm nhạc này một cách cẩn thận, không vội vàng được. Vượt qua được áp lực đó, tôi cảm thấy mình đủ sức và tự tin bắt tay vào làm” , đạo diễn Phạm Hoàng Giang tâm sự.

Đêm nhạc “Ngôi sao Hà Nội” diễn ra tối 6/4 là món quà của gia đình, bạn bè muốn tặng cho người chồng, người cha, người thầy nhạc sĩ quý mến trong dịp ông 85 tuổi.

Với chủ đề “Ngôi sao Hà Nội”, đạo diễn Phạm Hoàng Giang cho hay, anh chọn hình ảnh xuyên suốt chủ đạo là các song cửa sổ của các ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc thời Pháp cổ để có những góc tiếp cận riêng với Hà Nội ngoài những hình ảnh quen thuộc đặc trưng như: cầu Long Biên, Khuê Văn Các… Hiện nay, dù 1 tuần nữa mới diễn ra chương trình song vé xem đã hết sạch.

Nhạc sĩ Trọng Đài với vai trò là người biên tập âm nhạc đã chọn lọc trong hàng trăm ca khúc lấy ra 18 bài đưa vào chương trình gồm hai phần: Đất nước và Con người để đưa khán giả đi từ những cảm xúc hào hùng của Đất nước trong chiến tranh và xây dựng hòa bình, đến những tâm sự, tình yêu riêng tư sâu lắng của con người.

Người hòa âm và phối khí cho toàn bộ chương trình là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, một nhạc sĩ đã rất thành công với một số chương trình như: Liveshow Đăng Dương, liveshow Lan Anh, liveshow Mai Hoa và gần nhất là Liveshow Tân Nhàn.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên là nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc của chương trình, người có rất nhiều kinh nghiệm về dàn nhạc đệm cho ca khúc.

Con trai của nhạc sĩ Vĩnh Cát, ông Nguyễn Cảnh Sơn là người trực tiếp làm Giám đốc sản xuất chương trình.

Đêm nhạc “Ngôi sao Hà Nội” diễn ra tối 6/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội là món quà của gia đình, bạn bè muốn tặng cho người chồng, người cha, người thầy nhạc sĩ quý mến trong dịp ông 85 tuổi.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934 nguyên quán làng Đào xá, Ân Thi, Hưng Yên. Sống ở Hà Nội từ nhỏ cùng gia đình. Ông là một trong số ít nhạc sĩ viết hay cả ca khúc và nhạc thính phòng giao hưởng. Có thể nói, nhạc sĩ Vĩnh Cát là một trong số nhà soạn nhạc giao hưởng hàng đầu ở Việt Nam. Ông đã hoàn thành chương trình tu nghiệp sau đại học tại Liên Xô (cũ) và trở về Việt Nam làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, tiền thân của Học viện âm nhạc quốc gia hiện nay. Sau đó là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã được nhà nước phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát tham gia kháng chiến chống Pháp và sáng tác âm nhạc từ rất sớm ở tuổi 13, 14 khi là diễn viên đoàn “Thiếu nhi nghệ thuật” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Cũng từ chiếc nôi nghệ thuật ấy, ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay: Nhớ bác Hồ, Việt Bắc, Gửi bạn Thủ đô….. Những bài hát đó đã vang lên trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô kháng chiến.

Năm 1956, ông trúng tuyển khoa sáng tác đầu tiên trường âm nhạc Việt Nam, người nhạc sĩ tài hoa ấy từ năm 1958 đã viết tác phẩm “Tiếng võng ru” cho piano rồi tổ khúc giao hưởng kịch múa “Hái hoa dâng Bác”. Đây chính là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được giàn nhạc giao hưởng Việt Nam cùng trường múa Việt Nam biểu diễn mừng sinh nhật Bác lần thứ 70 (19/05/1960). Ông cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có những đêm nhạc giao hưởng của một tác giả Việt Nam và có CD nhạc giao hưởng bán trên thị trường.

Nhạc sĩ Vĩnh Cát có niềm đam mê đau đáu với khí nhạc, dẫu biết rằng đó là con đường gian khó. Khí nhạc dù là trăn trở lớn nhất trong cuộc đời ông, nhưng đông đảo khán giả lại chỉ nhớ đến nhạc sĩ Vĩnh Cát qua những ca khúc để đời như: “Sa Pa thành phố trong sương”, “Vườn nhãn quê hương”, “Ngôi sao Hà Nội”…… Nếu như để viết một bản giao hưởng có khi mất hàng năm, viết ca khúc chỉ mất một đêm, nhưng tất cả những điều đó không làm nản lòng người nhạc sĩ chỉ mong muốn có những tác phẩm khí nhạc để đời. “Đó là một thực tế hết sức đau lòng cho âm nhạc Việt Nam. Một nền âm nhạc chỉ có ca khúc là nền âm nhạc không đầy đủ” Nhạc sĩ Vĩnh Cát từng chia sẻ như vậy.

Ngoài việc nặng lòng cùng âm nhạc, ông còn là nhà sư phạm giáo dục từ thầy giáo tiểu học tới giáo sư đại học. Cũng không thể quên nhắc tới sự nghiệp Văn hóa, khoa học của ông khi tham gia biên soạn “Bách khoa thư Hà Nội”, giám đốc đầu tiên của Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn miếu - Quốc Tử Giám, giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội….

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu