18:43 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Trang tin điện tử, mạng xã hội: quyền lực thứ 5?

| 06:00 15/01/2017

(THPL) – Xuất hiện muộn nhưng internet đã chứng tỏ được sức mạnh của nó và ngày càng khẳng định vị thế vững chắc. Cùng với tốc độ tăng trưởng của internet, vài năm gần đây, các trang tin điện tử và mạng xã hội phát triển mạnh, mang lại nhiều tiện ích. Nhưng cũng từ đó, internet bộc lộ nhiều bất cập, gây nguy hại cho người sử dụng.

Cả thế giới hưởng lợi nhờ Internet

Trong những năm vừa qua, sự phát triển các dịch vụ thông tin trên nền internet đã đem lại cho người dân trên thế giới những lợi ích không thể phủ nhận. Nhân loại trở nên gần nhau hơn, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với những thông tin vô cùng phong phú, đa dạng và những kho dữ liệu khổng lồ được cập nhật hàng ngày, hàng giờ từ khắp nơi trên thế giới. Internet tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, thúc đẩy xã hội phát triển. Đây là xu thế phát triển chung của thời đại khoa học công nghệ. Theo thống kê của Internetlivestats thì đến tháng 7/2016, toàn thế giới có hơn 3,4 tỷ người tiếp cận được internet hàng ngày, chiếm 46,1% dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, theo một số liệu thống kê năm 2015 thì Việt Nam có hơn 36 triệu người sử dụng internet.

Sự ra đời của các mạng xã hội (Social Network) đã tạo ra một làn sóng mới kích thích sự phát triển của kênh truyền thông cộng đồng. Điểm nổi bật của mạng xã hội là tính kết nối và chia sẻ rất mạnh mẽ. Nó phá vỡ những ngăn cách về địa lý, ngôn ngữ, giới tính lẫn quốc gia. Những gì bạn làm, bạn nghĩ, cả thế giới có thể chia sẻ với bạn chỉ trong tích tắc.

Facebook là một ví dụ kinh điển cho sự phát triển của mạng xã hội. Xuất phát từ ý tưởng của một sinh viên Đại học Harvard năm 2004, đến nay, Facebook đã có gần 1,8 tỷ người kết nối hàng ngày. 

MC Phan Anh dùng facebook quyên góp được hơn 20 tỷ đồng tiền cứu trợ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lịch sử vừa qua.

Việt Nam cũng là một quốc gia có sự phát triển Internet với tốc độ cao. Theo số liệu thống kê cơ bản về người sử dụng internet tại Việt Nam đầu năm 2015 cho thấy, Việt Nam với dân số hơn 92 triệu người, trong đó có hơn 36 triệu người sử dụng internet;  hơn 32 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm tới gần 36% tổng dân số. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 với gần 30 triệu người dùng ứng dụng Facebook.  Thời lượng người dùng trung bình vào các mạng xã hội ở Việt Nam là 2h23 phút.

Về điện thoại, Việt Nam đã có hơn 134 triệu thuê bao điện thoại đăng ký. Tỉ lệ người người dùng sử dụng mạng xã hội trên mobile là 34%. Thời gian trung bình người dùng sử dụng internet hàng ngày trên thiết bị mobile là 1 giờ 43 phút.

Quyền lực thứ 5 hay sự trỗi dậy của tầng thứ xã hội?

Nếu coi khái niệm báo chí là quyền lực thứ tư (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp) , thì có thể nói trang mạng điện tử và mạng xã hội đã và đang trên con đường trở thành quyền lực thứ 5. Với tốc độ cập nhật thông tin nhanh, internet đã trở thành phương tiện truyền thông rất quan trọng, và thậm chí đang từng bước lấn át các phương tiện truyền thông truyền thống như báo, tạp chí in. Thông tin trên báo chí phải qua một “bộ lọc” qua quy trình tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp nên hạn chế tối đa thông tin “nhiễu”. Còn ở trang mạng điện tử, không còn giới hạn ở không gian, địa lý, từ đó nó đã thay đổi cách chúng ta tương tác với nhau, cách chúng ta làm việc, cách giao tiếp, thậm chí là cách mua sắm.

Mạng xã hội thì nó lại mang đậm tính cá nhân của một người dùng, và nếu người đó là một người nổi tiếng thì mức ảnh hưởng của nó thậm chí vượt qua nhiều tờ báo lâu năm. Đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng chưa từng có tại Việt Nam qua Facebook của Phan Anh, một "người của công chúng". Phan Anh kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung và chỉ trong vòng vài ngày sau, đã có hơn hai mươi tỷ tiền mặt gửi đến tài khoản. Số tiền này vượt rất xa nhiều cuộc quyên góp của các cơ quan nhà nước hay thậm chí cả vài cơ quan trung ương. 

Việc ông Nguyễn Ngọc Chung – Phó Giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên - Hà Giang ra chợ xin tiền cứu bệnh nhân gây xúc động

Hay tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đình đám vừa qua, tân tổng thống Donald Trump thua trên tranh luận trực tiếp, thua trên các cuộc khảo sát uy tín, nhưng đã tận dụng các mạng xã hội để giành chiến thắng tuyệt đối trước ứng cử viên nặng ký Hillary Clinton.

Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã chứng kiến trên mạng một bác sỹ ở Hà Giang ra chợ xin tiền mổ cứu bệnh nhi, và chỉ ngày hôm sau người bác sỹ đáng kính này đã nhận được hàng trăm triệu đồng để cứu ca sinh đôi hiếm gặp. Chúng ta cũng được chứng kiến video clip ghi lại cảnh một vị cánh sát giao thông văng tục, chửi bậy, nhổ nước bọt, nhận tiền và có thông tin anh ta bị kỷ luật sau đó. Chúng ta cũng được chứng kiến những cảnh đời khổ cực, lầm than nhất để từ đó, phát tâm thiện nguyện hỗ trợ, giúp đỡ. Nếu không có mạng xã hội, liệu điều đó có thể xảy ra với mức ảnh hưởng cao như thế?

Có lẽ, quyền lực thứ năm này có tác dụng tốt hơn với những tầng thứ bị coi là nhỏ yếu trong xã hội hiện tại. Nó có thể được coi là một kênh thông tin giúp cho những cảnh đời lầm than một cách trực quan, kịp thời hơn các phương tiện thông tin truyền thống khác.

Nhà nước cần định hướng và quản lý sự phát triển của mạng xã hội

Quyền lực thứ năm mạnh mẽ hơn khi được nhân dân tiếp sức, đồng thời cũng tăng thêm sức mạnh cho quyền lực đứng trước. Đơn giản vì nó là một nguồn tin vô tận, giúp cho báo chí thêm sức mạnh, khiến các cơ quan hành pháp thay đổi hành vi, thậm chí giúp cho cơ quan lập pháp, tư pháp có thêm tư liệu trực quan, sống động.  

Ví dụ điển hình là vào hồi 6:30 ngày 10/01/2017 vừa qua, tại khu vực hang Luồn gần đảo Titốp (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh) đã xảy ra vụ cháy tàu Ánh Dương QN 3598 của công ty TNHH Du lịch Thương mại Ánh Dương 1, do thuyền trưởng Nguyễn Bá Trọng điều khiển. Ngay lập tức, vụ việc được người dùng điện thoại sử dụng chế độ livestream quay và phát trực tiếp trên Facebook. Ngay sau đó, các báo chí đã đăng tải thông tin, các lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường. Gần như trong ngày, các cơ quan chức năng đã thực hiện hàng loạt các cuộc kiểm tra, rà soát để tránh tình trạng tương tự xảy ra. 

Chỉ cần có tin đồn nhảm, thị trường chứng khoán non nớt của chúng ta dễ rơi vào khủng hoảng, kéo theo nhiều hệ luỵ. 

Nhưng với sự nhanh nhạy, mang tính cá nhân, chưa kiểm chứng đó lại kèm theo một môi trường phát tán thông tin vô tận thì với những kẻ "thích nổi tiếng" lại có cơ hội làm nhiễu loạn xã hội với những tin tức giả. Điển hình như vụ tin đồn vỡ đập A Vương và Đak Mi 4 khiến hàng ngàn người dân Đại Lộc, Huế hoảng loạn sơ tán, hay tin đồn bắt cóc trẻ em mổ lấy nội tạng khiến các bậc cha mẹ sợ “xanh mặt” … 

Trong kinh tế, những tin đồn trên mạng còn mang theo sự ác liệt hơn, nặng nề hơn. Ví dụ như khi có tin đồn về chủ tịch HĐQT của một Cty đang niêm yết trên sàn chứng khoán bị bắt thì lập tức cổ phiếu Cty này sẽ bị bán tháo, hoặc như có tin đồn ông giám đốc một ngân hàng nào đó vướng vòng lao lý, chắc chắn không thoát khỏi cảnh người dân đổ đến ngân hàng đó rút tiền, dẫn đến ngân hàng mất thanh khoản. Hay giá vàng, giá đô-la hết lên dốc lại lao dốc khiến cả ngàn người mất trắng tài sản, xã hội hỗn loạn.

Mặt trái của mạng xã hội, bên cạnh nguyên nhân do sự tự phát của người dùng, do nguyên nhân kinh tế khủng hoảng … thì không thể không nhắc đến vai trò quản lý của cơ quan nhà nước. Có thể nói, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng còn thiếu nhạy bén, phản ứng quá chậm trong việc thu thập dữ liệu và giải thích kịp thời cho người dân hiểu.

Ví dụ như tin đồn đổi tiền, tin đồn này lan truyền chóng mặt trong suốt tháng 11/2016 nhưng đến tận đầu tháng 12/2016 thì cơ quan chức năng mới kịp phản ứng, họp báo, dùng thông tin truyền hình để trấn an dư luận. Nếu nhạy bén, ngay từ khi có thông tin như vậy, cơ quan nhà nước sớm có biện pháp khẳng định ngay là không có chuyện đổi tiền thì sẽ tránh được những thiệt hại cho người dân. Tránh được cảnh hàng ngàn người dân đổ xô đi mua vàng, đô-la tích trữ, gây hỗn loạn xã hội, đẩy giá vàng lên cao phi lý. 

Chúng ta đã có nhiều cơ quan chuyên trách về an ninh mạng để xử lý tội phạm công nghệ cao, kiểm soát người dùng mạng nhưng nói chung, hiệu quả chưa được như mong muốn. Có thể thấy, đa số vụ việc không tìm được điểm xuất phát của tin đồn để xử lý. Ví dụ như tin đồn bắt Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, làm thiệt hại cho thị trường chứng khoán lên đến 1,6 tỉ USD chẳng hạn. Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an nói sẽ điều tra, xử lý kẻ tung tin đồn, tuy nhiên đến nay cũng không thấy nhắc nhở gì đến nữa. Hay như hàng loạt các trang web mang tên các vị lãnh đạo đất nước, hàng loạt tài khoản tung video trên Youtube vu khống lãnh đạo đất nước vẫn chưa bị xử lý triệt để.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một cơ chế quản lý, định hướng phát triển các trang mạng điện tử, mạng xã hội. Cần có các biện pháp quyết liệt hơn để bảo đảm sự ổn định chính trị, an ninh trật tự, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch bên ngoài và bên trong đất nước.

Một động thái mới đây nhất của các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này, tuần qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Thông tư số 38, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Theo đó, chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube... phải có nghĩa vụ hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để chặn các thông tin xấu độc. Việc ban hành Thông tư này thể hiện quyết tâm của Bộ TT&TT nhằm chấn chỉnh hoạt động cung cấp thông tin trên mạng, góp phần xây dựng môi trường hoạt động, kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên mạng Internet.

Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu