05:35 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

TPHCM: Kiến nghị cho phép 100 chuyên gia nhập cảnh để triển khai tuyến Metro số 1

16:49 06/07/2020

(THPL) - Chiều 6/7, thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, để đảm bảo tiến độ tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đặc biệt tiến độ thi công hạng mục quan trọng của gói thầu CP3 (cơ điện, đường ray, đầu máy toa xe, thiết bị bảo dưỡng...) cần có cơ chế “đặc cách” để 100 chuyên gia nước ngoài của nhà thầu Hitachi làm việc ở dự án Metro số 1 được nhập cảnh vào TPHCM.

Cụ thể, có 82 chuyên gia đến từ nhiều nước thuộc diện nhập cảnh dài hạn, làm việc tại văn phòng, tham gia quản lý, lắp đặt, thi công tại công trường nhưng chưa được vào Việt Nam từ ngày 18-3 đến nay. 18 chuyên gia Nhật Bản còn lại dự tính đi cùng đoàn tàu metro theo đường biển cũng chưa thể nhập cảnh. Đây là các chuyên gia cần được ưu tiên vào Việt Nam để lắp đặt đường ray và chuẩn bị cho nhập khẩu tàu metro lẫn thử nghiệm hệ thống thông tin, tín hiệu, kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng...

Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, theo MAUR, việc chuyên gia nước ngoài làm việc ở gói thầu CP3 chưa được nhập cảnh để làm việc đã ảnh hưởng rất lớn tới dự án vì chưa thể đưa đoàn tàu đầu tiên về TPHCM chạy thử nghiệm vào quý 3 năm nay như dự kiến. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công ở công trường cũng bị ảnh hưởng.

Tuyến Metro Số 1 dài gần 20 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 46.300 tỷ đồng (Nguồn: Internet)

Trước đó từ giữa tháng 4, việc thi công đoạn trên cao và Depot Long Bình thuộc gói thầu CP2 của tuyến Metro Số 1 đạt hơn 82% khối lượng, cam kết đạt 90% trong năm nay. Nhà thầu gấp rút lắp mái, dựng tôn vách những tòa nhà xưởng chính, nhà tiện bánh xe... đảm bảo tốt nhất cho hai đoàn tàu metro đầu tiên về Depot (trung tâm điều hành và bảo dưỡng tàu metro).

Tuy nhiên, do người phụ trách kỹ thuật phía Nhật chưa thể nhập cảnh khiến hai đoàn tàu dù đã sản xuất xong, dự kiến ngày 1/4 đưa xuống cảng chuyển về Việt Nam, để lắp đặt phải ngưng lại. Một số thiết bị cần nhập khẩu từ Italy, Đức để phục vụ cho Depot Long Bình cũng gặp tình trạng tương tự.

Ngoài những chuyên gia nước ngoài, hiện các kỹ sư Việt Nam làm việc tại dự án cũng có nhu cầu đến Nhật Bản tham gia khóa đào tạo vận hành tàu metro. Nhưng do quy định cách ly của Nhật Bản cùng với việc hai nước chưa mở lại chuyến bay nên các kỹ sư chưa thể sang được.

Hôm 29/6, làm việc với đoàn công tác do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng ban MAUR Bùi Xuân Cường kiến nghị Chính phủ cho các chuyên gia đã được xác định âm tính vào Việt Nam. Họ sẽ cách ly 14 ngày tại nơi cư trú gần công trường. Thời gian này, các chuyên gia sẽ làm việc trực tuyến dưới sự giám sát của cơ quan y tế, hết hạn cách ly mới được ra ngoài.

Ngày 1/7, nhà thầu Hitachi tiếp tục có văn bản đề nghị tạo điều kiện cho 18 chuyên gia Nhật sớm nhập cảnh chuẩn bị cho việc đưa tàu metro về Việt Nam. Danh sách mới nhất UBND TP HCM gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về đề nghị cấp visa (thị thực nhập cảnh) cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đã có các kỹ sư thuộc nhà thầu Hitachi thực hiện gói thầu CP3.

Theo báo Vnexpress, tuyến Metro Số 1 dài gần 20 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 46.300 tỷ đồng. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình và kết thúc ở Bến Thành. Hiện công trình đã hoàn thành khoảng 73,5% khối lượng công việc, phấn đấu cuối năm đạt 85% và mục tiêu đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Bảo Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu