11:16 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM: Đề xuất cho học sinh lớp 9 và 12 trở lại trường từ tháng 12 tới

14:22 29/10/2021

(THPL) – Theo đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM, sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, học sinh lớp 9 và 12 được đi học trực tiếp vào đầu tháng 12 tới.

Ngày 29/10, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, dự kiến Sở sẽ xây dựng phương án và đề xuất với UBND TP.HCM cho học sinh cuối cấp lớp 9, lớp 12 và học sinh THPT đã hoàn tất 2 mũi vaccine được đi học trực tiếp trở lại vào đầu tháng 12 tới. Kế hoạch cụ thể sẽ căn cứ vào việc từng quận, huyện rà soát, đánh giá cấp độ dịch của địa phương để trình lên UBND quyết định cho học sinh học trực tiếp trở lại.

Báo Tiền phong đưa tin, cũng theo ông Hiếu, trong tuần này, các địa phương sẽ hoàn tất việc tiêm vaccine cho học sinh THPT và tiếp tục lộ trình tiêm chủng hạ dần độ tuổi. Việc tiêm chủng cho học sinh được thực hiện từ ngày 27/10 và dự kiến kéo dài trong khoảng 1 tuần.

Theo kế hoạch, sau khi tiêm mũi 1 từ 3- 4 tuần, học sinh sẽ tiếp tục tiêm mũi 2. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ hoàn tất kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 12- 17.

TP.HCM đề xuất cho học sinh lớp 9 và 12 trở lại trường từ tháng 12. Ảnh minh họa

Tính đến trưa 28/10, sau 2 ngày tổ chức tiêm chủng, TP.HCM đã tiêm vaccine cho 9.756 trẻ em 12 - 17 tuổi, tại 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Thành phố cố gắng hoàn thành tiêm mũi một trong 5 - 7 ngày, sau đó tiêm mũi hai trong 7 ngày.

Theo tạp chí Saostar, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm các cơ quan y tế, quận, huyện cũng đang tiến hành bàn giao những cơ sở giáo dục sau khi hoàn thành công tác trưng dụng để phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, còn khoảng 250 cơ sở giáo dục ở TP.HCM sẽ bàn giao trong tháng 11. Những cơ sở này sẽ được sửa chữa kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học trực tiếp trở lại trong thời gian tới.

Trước đó, Sở GD&ĐT đã có tờ trình dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp gửi UBND TP.HCM. Theo đó, Sở này đề xuất mở cửa trường, dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch ở từng địa bàn khác nhau.

Cụ thể, địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) được tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải đảm bảo giãn cách, bộ tiêu chí an toàn trong trường học. Các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường không được phép tổ chức. Các trường ngoài công lập ở những địa bàn này, nếu đảm bảo điều kiện an toàn, có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa đón học sinh.

Các trường đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trường học, đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vắc xin, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao), các trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.

Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9, 12.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều yếu tố ràng buộc như các cơ sở giáo dục phải được Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố đánh giá an toàn, đảm bảo theo bộ tiêu chí an toàn trường học của TP.HCM; học sinh, học viên, sinh viên phải được bố trí học lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học.

Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu