09:12 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khó khăn vì dịch COVID-19 đợt 3

09:30 23/09/2021

(THPL) - Chiều ngày 22/9, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn (đợt 3).

Theo UBND TP.HCM, từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2 và trên cơ sở thống kê, báo cáo từ UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức, trong thời gian tới, trên địa bàn TP.HCM sẽ có gần 2 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn với hơn 6,4 triệu nhân khẩu.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, 5 nhóm đối tượng được UBND TP đề xuất, gồm:

1. Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.

2. Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).

3. Người phụ thuộc của đối tượng (2) gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).

TP.HCM đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khó khăn vì dịch COVID-19 đợt 3. Ảnh minh họa

4. Cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc; sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia BHXH, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021; có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt tại xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương).

5. Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cành thật sự khó khăn trong thời gian TP thực hiện giãn cách và đang có mặt tại xã, phường, thị trấn.

Theo báo Tiền phong, số trường hợp cần hỗ trợ theo dự kiến là 7.347.116 người với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người bằng hình thức trực tiếp hoặc chuyển khoản tùy theo nhu cầu người nhận. Kinh phí hỗ trợ dự kiến là hơn 7.347 tỷ đồng, từ ngân sách TP.HCM (bao gồm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và nguồn kết dư ngân sách năm 2019 đang theo dõi trong số thu ngân sách năm 2020).

Nguyên tắc hỗ trợ đảm bảo chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú, không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

TP.HCM không hỗ trợ đối với các trường hợp: người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia BHXH; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021.

Cũng theo nội dung tờ trình, số liệu trên chỉ là con số dự kiến. UBND TP.HCM đang chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, đối chiếu, xét duyệt danh sách trình UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức thẩm định, phê duyệt; cập nhật số liệu cuối cùng, đưa vào kế hoạch của UBND TP.HCM để triển khai thực hiện.

TP.HCM lập thêm tổ chăm sóc F0 ngoài cộng đồng

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi đến TP. Thủ Đức và các quận huyện về việc thành lập Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Đây là giải pháp nhằm hỗ trợ trạm y tế cố định và trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, quản lý F0 tại nhà.

Theo đó, tổ chăm sóc có ít nhất 3 người, tổ trưởng là Bí thư chi bộ hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban quản lý tòa nhà, khu chung cư. Tổ phó là 1 nhân viên y tế, thành viên là người đang sinh sống trong tổ dân cư. Những người tham gia cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc F0 đã khỏi bệnh.

Tổ chăm sóc sẽ quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng; tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân. Tổ chăm sóc có một số điện thoại riêng và trực 24/7 để đảm bảo kết nối với F0.

Tổ chăm sóc cần trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2, bình oxy, túi thở oxy, dụng cụ thở oxy, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân... Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức và quận, huyện hỗ trợ trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, vật tư và tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu