09:04 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

TPHCM chưa có chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

Bảo An (tổng hợp) | 08:44 12/10/2021

(THPL) - Chiều ngày 11/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) đã tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Báo VTV News đưa tin, đánh giá 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, có 5 mặt được: Đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống được hoạt động trở lại, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Công tác an sinh tiếp tục triển khai đến người dân; công tác phòng, chống dịch ngày càng đạt nhiều kết quả tốt.

Cụ thể, nếu ngày 7/10 có 19/22 quận - huyện, TP Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch thì đến hôm nay (11/10) có 21/22 quận - huyện, TP Thủ Đức được đề nghị công bố được kiểm soát dịch theo Quyết định 3919 của Bộ Y tế. Tình hình an ninh trật tự được duy trì, đảm bảo.

Cạnh đó, ông Phạm Đức Hải cũng chỉ ra 3 hạn chế: Cụ thể là vi phạm 5K, tụ tập đông người, giữ khoảng cách chưa nghiêm, nhiều người không đeo khẩu trang. Số doanh nghiệp hoạt động lại chưa nhiều. Tình hình đi lại của người dân từ thành phố đến các tỉnh khó khăn.

“Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng, đó là thách thức buộc người dân phải điều chỉnh thói quen, không được chủ quan, cần cảnh giác hơn nữa...,” ông Hải nói.

Quán ăn được bán mang về tại TP.HCM. Ảnh: Internet

Theo TTXVN đưa tin, về chủ trương mở dịch vụ ăn uống tại chỗ trong thời gian tới, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời gian qua, loại hình dịch vụ nào đủ điều kiện thì đã được mở lại, loại hình khả năng gây ra nhiều rủi ro thì phải cân nhắc. Bởi dịch vụ ăn uống tại chỗ là tụ tập đông người nên chưa có chủ trương mở lại. Trên bình diện chung, thành phố xét thấy dịch vụ này chưa nên mở. Các loại dịch vụ sẽ do từng sở, ngành liên quan phụ trách, riêng việc ăn uống do Ban quản lý An toàn thực phẩm phụ trách, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu và phối hợp.

Theo báo Thanh niên, về tiến độ chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) nhấn mạnh, đến nay, số lượng chi trả đợt 3 đến tay hơn 3,7 triệu người. Theo đó, con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng giờ đối với 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Với tiến độ này, chắc chắn đến ngày 15/10, các đơn vị sẽ hoàn thành chi trả theo chỉ đạo của TP.

Ông Lâm nói thêm, việc vận hành chi trả qua ứng dụng theo công văn của UBND TP đến nay thuận lợi và chưa có vấn đề phát sinh. Nhưng về mặt công nghệ, do hạ tầng cùng lúc có hơn 1 triệu người truy cập nên nghẽn mạng. Các tổ chi trả của khu phố chậm hơn so với tiến độ và các vùng xa trung tâm mất nhiều thời gian. Đến nay, 6 đơn vị đạt trên 90% là Phú Nhuận (96,3%), còn lại trên 90%.

Cũng tại cuộc họp chiều 11/10, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đã có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính của cơ sở y tế tư nhân điều trị COVID-19. Theo đó, Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị COVID-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.

Cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc COVID-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị COVID-19. Chi phí tiện ích ngoài quy định thì được thu thêm nhưng phải đúng giá đã niêm yết.

Về nhân lực y tế phục vụ khám chữa bệnh có bị thiếu không, khi nhiều bệnh viện chuyển công năng sang điều tri COVID-19, thông tin tại cuộc họp cho biết 3 bệnh viện dã chiến (13, 14, 16) sẽ phải giữ lại để sẵn sàng các tình huống.

Đồng thời, Thành phố cũng tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 sau khi lực lượng chi viện rút. Theo tinh thần đó, Sở Y tế đã phân công các bệnh viện có thể tiếp nhận, đảm đương như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.

Tính đến 11/10, toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện ở TP HCM đã đề nghị công bố kiểm soát được dịch theo quy định 3979 của Bộ Y tế.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu