01:16 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

TP. HCM: Thông xe Cầu Vàm Sát 2 ở huyện Cần Giờ

14:42 15/09/2023

(THPL) - Sáng 15/9/2023, công trình Cầu Vàm Sát 2 được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (TCIP - chủ đầu tư) cho thông xe sau 5 năm triển khai. Cầu Vàm Sát 2 nằm song song cầu cũ, điểm đầu ở đường Lý Nhơn, điểm cuối tại ngã ba Lý Nhơn - Đê Soài Rạp. Công trình có tổng chiều dài hơn một km, trong đó phần cầu dài 434 m, rộng 10 m; tổng vốn đầu tư 343 tỷ đồng.

Khởi công tháng 3/2018, cầu Vàm Sát 2 dự kiến hoàn thành sau một năm giúp thay cầu cũ đã quá tải, xuống cấp, mất an toàn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 công trình phải dừng do vướng giải phóng mặt bằng. Sau gần ba năm, tháng 10/2022, huyện Cần Giờ hoàn tất đền bù, giao toàn bộ diện tích xây cầu giúp việc thi công được đẩy nhanh.

-

Cầu Vàm Sát 2 được thông xe, kết nối giao thông xã Lý Nhơn về trung tâm huyện Cần Giờ và TP. HCM. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi đến phà nối Cần Giờ (TP. HCM) - Cần Giuộc (tỉnh Long An) để vận chuyển hàng hóa, phát triển nuôi trồng thủy sản, hàng nông sản. Qua đó phát triển kinh tế - xã hội, du lịch xã Lý Nhơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Cầu Vàm Sát 1 sau hơn 10 năm khai thác, hiện tải trọng không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá ở khu vực. Do vậy, cầu Vàm Sát 2 hoàn thành có ý nghĩa lớn với địa phương. Công trình hoàn thành cũng nhờ sự đóng góp, chia sẻ rất lớn của người dân. Nhiều bà con chấp nhận rời đi, bàn giao mặt bằng".

Được biết, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Địa phương này có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn, sông rạch. Nơi đây có nhiều làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc sắc, thuận lợi phát triển các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - tín ngưỡng.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông ở khu vực trên đang rất hạn chế, nhất là ra vào khu nội thành khi chỉ có tuyến chính là phà Bình Khánh đang thường xuyên quá tải. Dự kiến tháng 4/2025, TP HCM sẽ khởi công cầu Cần Giờ nối qua Nhà Bè, tổng vốn hơn 10.000 tỷ phá thế độc đạo ở bến phà hiện hữu, tăng kết nối giao thông vào khu trung tâm.

Ngoài cầu Vàm Sát 2, mới đây TP. HCM đã đưa vào khai thác cầu Long Kiểng, tổng vốn gần 600 tỷ đồng sau 23 năm được duyệt, 5 năm thi công. Một loạt dự án khác bị chậm trễ kéo dài do vướng mặt bằng cũng đang được tập trung triển khai trở lại như cầu Nam Lý, Tăng Long, mở rộng đường Lương Định Của (TP Thủ Đức); cầu Bà Hom, mở rộng đường như Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân)... "Đây đều là các dự án đặc biệt quan trọng, giúp khơi thông các cửa ngõ ở thành phố nên đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành", lãnh đạo TCIP chia sẻ.

Huy Quang

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu