10:01 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Năm 2018 mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế

15:07 31/01/2018

(THPL) - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã có những chia sẻ với Thương hiệu và Pháp luật về một số thành tích, đóng góp của Tổng cục trong năm vừa qua. Bên cạnh đó, trong năm 2018, Tổng cục Hải quan cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm hiện đại hóa ngành Hải quan; nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên và tăng cường hợp tác quốc tế...

PV: Đề án quản lý giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không là chủ trương lớn của ngành Hải quan, xin ông cho biết mục tiêu của Đề án và hiệu quả bước đầu khi triển khai thực hiện đề án này?

Với mục tiêu đơn giản, hài hòa, minh bạch thủ tục hải quan và thủ tục giao, nhận hàng tại khu vực cảng, kho, bãi giữa các bên liên quan theo đúng quy định của Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan, Đề án quản lý giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không là chủ trương lớn của ngành Hải quan được triển khai thời gian qua và bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn.

Việc triển khai Đề án này đã làm tăng tính tự động trong việc kết nối giữa Cơ quan hải quan và các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi; làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, giám sát hàng hóa hải quan: Chuyển hoàn toàn từ phương thức thủ công, giấy tờ sang phương thức điện tử. Từ đó góp phần tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Kết quả cụ thể tính đến ngày 05/1/2018: Tại Cục Hải quan Hải Phòng đã triển khai Hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động và quản lý, giám sát 100% hàng hóa ra vào cảng bằng phương thức điện tử tại 100% chi cục với sự tham gia của 67 doanh nghiệp; Cục Hải quan TP. HCM và Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai Hệ thống quản lý hàng hóa hải quan tự động cho 04 doanh nghiệp.

Đề án đã tạo thuận lợi, nhanh chóng, giảm thủ tục và thời gian cho doanh nghiệp XNK; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình trạng cấp phép thông quan đối với từng lô hàng, container để cho phép hàng ra, vào khu vực giám sát, giảm thiểu rủi ro trong việc thực hiện bằng chứng từ giấy…đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi; đồng thời, cơ quan hải quan cũng kịp thời nắm bắt các thông tin chi tiết về lô hàng để đưa ra quyết định phù hợp, giảm thời gian giải quyết thủ tục.

Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ mở rộng triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cần Thơ, hiệu quả quản lý và phục vụ sẽ nâng lên rất nhiều.

PV: Trong năm 2017, Tổng cục Hải quan đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác APEC. Xin ông có thể cho biết những kết quả đạt được của Hải quan Việt Nam qua các hoạt động này? Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế của ngành Hải quan năm 2018 dự kiến được triển khai ra sao, thưa ông?

Năm 2017 là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác và hội nhập quốc tế giai đoạn 2017 - 2020, các hoạt động hợp tác và hội nhập song phương cũng trong khuôn khổ các thể chế: ASEAN, ASEM, WCO, WTO, GMS,… đã được thực thi hiệu quả, giúp khẳng định được vai trò và vị thế của Hải quan Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác và hội nhập.

Hợp tác quốc tế
Tổng cục Hải quan là đơn vị đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 17.

Về các hoạt động trong khuôn khổ WCO, trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam tháng 3/2017 của Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới ông Kunio Mykuriya và chuyến làm việc của Lãnh đạo Bộ Tài chính tại trụ sở Tổ chức Hải quan Thế giới tháng 9/2017, hai bên đã trao đổi và thống nhất các biện pháp và định hướng hợp tác với mục đích vừa tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia các hoạt động xây dựng các định chế, chuẩn mực nghiệp vụ hải quan. WCO tạo thuận lợi cho Hải quan Việt Nam chủ động tiếp cận với hướng phát triển hải quan hiện đại mà WCO đang theo nỗ lực theo đuổi để hỗ trợ cho các thành viên của mình thông qua quá trình xây dựng thể chế, các quy tắc mới cũng như chuẩn mực hải quan hiện đại.

Năm 2017 cũng là lần đầu tiên công chức của Hải quan Việt Nam được chọn vào một vị trí công tác của WCO, chuyên viên kỹ thuật Cục Tạo thuận lợi và Tuân thủ của WCO. Tổng cục Hải quan cũng đã tham mưu cho Chính phủ việc gia nhập công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa – một trong những công ước nghiệp vụ quan trọng do WCO quản lý.  

Về chuỗi các hoạt động APEC 2017, Hải quan Việt Nam đã tổ chức thành công các hoạt động: Cuộc họp Tiểu ban thủ tục Hải quan lần thứ nhất (SCCP1) diễn ra bên lề Hội nghị các Quan chức cấp cao lần 1 (SOM1) tại Nha Trang từ ngày 21/2-1/3/2017 và Cuộc họp SCCP2, Hội nghị Đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp 2017 và một số sự kiện liên quan của Hải quan diễn ra bên lề SOM3 tại TP. HCM từ 16-30/8/2017.

Thông quan điện tử
Việc triển khai đề án thông quan điện tử giảm thiểu nhiều thủ tục cho doanh nghiệp XNK, kinh doanh cảng, bến, bãi.

Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần đáng kể cho sự phát triển của Tổng cục Hải quan cũng như Bộ Tài chính. Hải quan Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 trong lĩnh vực hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan.

Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm về cải cách, hiện đại hóa, phương pháp, kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại; thực hiện các sáng kiến khu vực đặc biệt trong lĩnh vực hiện đại hóa thủ tục, áp dụng các kỹ thuật hải quan mới; Xây dựng chương trình hợp tác mới với các nước láng giềng nhằm tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; Xây dựng phương án cử đại diện hải quan Việt Nam tại một số địa bàn trọng điểm nhằm triển khai các quy định của Luật Hải quan; Mở rộng địa bàn và phương thức hoạt động của Đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO ra các nước Châu Âu; Tiếp tục triển khai đàm phán các hiệp định, thỏa thuận hợp tác hải quan với các đối tác quan trọng...

PV: Thưa ông, ngành Hải quan được coi là một trong những ngành ở “đầu sóng, ngọn gió” trong giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và quốc tế, đảm nhiệm quản lý thu ngân sách, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của quốc gia. Xin ông cho biết những chỉ đạo trọng tâm đối với ngành Hải quan trong năm 2018?

Phát huy kết quả đạt được trong năm 2017 và quán triệt Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài, trong năm 2018, ngành Hải quan sẽ ra sức phấn đấu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Kiểm tra hàng hóa
Hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai mạnh mẽ tại các đơn vị của Tổng cục, đã đạt được nhiều thành tích đáng kể.

Bên cạnh đó, gắn với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực quản lý, toàn ngành Hải quan cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhóm công việc trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa đi vào thực chất, sâu rộng; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý. Trong năm 2018 sẽ tiến hành xây dựng Hệ thống quản lý hải quan đồng bộ, tích hợp trên tất cả lĩnh vực nghiệp vụ, để đến giữa năm 2019 ngành Hải quan có Hệ thống thông quan đồng bộ, lồng ghép với Hệ thống VNACCS/VCIS để nâng cao năng lực cho cơ quan Hải quan và tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Thứ hai, thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, nhằm tham mưu cho Chính phủ triển khai các giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn nữa.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, giám sát hải quan; kiểm tra sau thông qua; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro… và vai trò Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Thứ tư, toàn Ngành cần tiếp tục quan tâm, nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật lao động, gắn với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; xây dựng và bảo vệ lực lượng. Trong đó, sẽ xây dựng kế hoạch sát hạch đánh giá năng lực, trình độ, kỹ năng của CBCC hải quan, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí công tác.

Thứ năm, thực hiện các giải pháp đồng bộ trong thanh tra, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách 283.000 tỷ đồng trong năm 2018.

PV: Xin cảm ơn ông!

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu