15:46 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Toàn cảnh lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung: Đâu là nguyên nhân và giải pháp ứng phó?

13:04 23/12/2016

(THPL) – Từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã xảy ra liên tiếp 05 đợt mưa lớn trên diện rộng với cường độ bất thường và kéo dài, gây ra trận lũ lụt lịch sử tại miền Trung với hậu quả đặc biệt nặng nề.

Ước tính thiệt hại 1,7 tỷ đô la

Tổng lượng mưa tập trung trong khoảng 3 tháng qua ở nhiều địa phương miền Trung lớn hơn trung bình cả năm, đặc biệt một số khu vực mưa trên 2.500mm như Trà My (Quảng Nam) 2.611mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.729mm. Mưa lớn làm lũ các sông lên cao ở mức báo động 3 (BĐ3), có nơi trên BĐ3, nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử như ở sông Vệ, sông Kone, sông Ba. Các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện đầy nước đang phải xả lũ; ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh miền Trung. Các tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở; sản xuất bị đình trệ, đời sống người dân trong vùng thiên tai vô cùng khó khăn và tổn thất nặng nề.

Mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 316.719 nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại,... (đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt). Thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 235 người chết và mất tích, ước tính tổng thiệt hại trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).

Miền Trung thiệt hại nặng nề sau khi gánh chịu liên tiếp 5 đợt mưa lũ lịch sử (Ảnh internet)

Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích (Thừa Thiên Huế: 03 người chết, Bình Định: 06 người chết, 05 người mất tích, Khánh Hòa: 01 người chết); 127 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 111.851 nhà bị ngập nước; 10.059 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi (hiện các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại).

Những nguyên nhân chủ yếu

Mặc dù các cấp chính quyền, người dân đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, nhưng hậu quả của lũ lụt vẫn hết sức nặng nề. Nguyên nhân đầu tiên là do mưa lũ lớn liên tiếp xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện đã tích đầy nước sau các đợt mưa lũ trước đây, nên vào đợt mưa lũ này, nhiều hồ phải xả tràn để đảm bảo an toàn công trình.

Một trong các nguyên nhân gây thiệt hại lớn là do hồ thuỷ điện xả tràn (Ảnh internet)

Hơn 100 người chết và mất tích trong đợt lũ lịch sử thì nguyên nhân chính vẫn do một số bộ phận người dân còn thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để Công điện của Chính phủ và thông báo, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhất là khi lũ lên nhanh.

Không thể không nhắc đến công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, radar, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ, vốn đòi hỏi ngày càng phải chính xác và sớm hơn. Nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo, xây dựng và cập nhật bản độ ngập lụt, phương án đảm bảo an toàn hạ du, việc phối hợp với địa phương và thông tin xả lũ còn hạn chế.

Sự phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt đối với hệ thống đường giao thông, cầu, cống trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt Bắc Nam, các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị,.. làm co hẹp lòng dẫn thoát lũ là một trong những nguyên nhân dẫn đến mực nước lên nhanh, tăng thời gian và chiều sâu ngập lũ, làm gia tăng thiệt hại và chậm quá trình khắc phục hậu quả.

Biến đổi khí hậu làm cho tình hình thiên tai ngày càng bất thường. Ngoài ra, do đặc điểm khu vực miền Trung và Tây Nguyên có địa hình chia cắt mạnh, sông ngắn, dốc, chất lượng rừng đầu nguồn suy giảm, dẫn đến phương án phòng chống mưa lũ tại các địa phương gặp nhiều khó khăn và đặt ra những thách thức mới, khó lường.

Trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chủ lực, đặc biệt là ở các địa phương còn thiếu nhiều, một số nơi còn chưa phù hợp và đang là nhu cầu cấp bách của nhiều địa phương.

Cơ quan thường trực tham mưu chỉ đạo điều hành về phòng chống thiên tai tại các cấp từ Trung ương đến địa phương còn thiếu cả về số lượng, cơ sở hạ tầng, lực lượng, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu…dẫn đến công tác tham mưu chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Tổng hợp thống kê thiệt hại còn thiếu chính xác, đề xuất kiến nghị và xử lý giải quyết hỗ trợ nhất là về gạo, giống, thuốc xử lý vệ sinh môi trường... còn chậm, chưa kịp thời mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở; quy trình xử lý hỗ trợ còn kéo dài và mức hỗ trợ chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của người dân.

Bão Nock-ten đang tới và những việc cần làm ngay

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến ngày 17/12/2016 như sau: 

UBND các tỉnh cần kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ bị thiệt hại về người, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân; chủ động huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh. Chính phủ sẽ tạm ứng kinh phí hoặc hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi để sẵn sàng phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.

Tiếp tục rà soát các khu vực dân cư hạ du các hồ chứa, các vùng có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, chủ động sơ tán, di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn.

Tăng cường công tác truyền thông, nhất là các đài truyền thanh ở phường, xã để thông tin kịp thời về diễn biến thiên tai cũng như các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để nhân dân biết, chủ động phòng tránh và hiểu đúng, đầy đủ những việc đã, đang thực hiện, nhất là việc xả lũ các hồ chứa.

Chủ động di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (Ảnh internet)

Kiểm tra, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; vận hành an toàn hệ thống lưới điện và bảo đảm cung cấp điện; có phương án chủ động điều tiết thị trường, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt của nhân dân, không để một số mặt hàng thiết yếu tăng giá.

Tổ chức đầu mối tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ đảm bảo công bằng, minh bạch. Kêu gọi tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại trong vùng mưa lũ. Khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã tham gia tích cực và có đóng góp, hỗ trợ hiệu quả trong các đợt mưa lũ vừa qua.

Cơn bão Nock-ten đang hướng về biển Đông, dự kiến sẽ tiếp tục đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây mưa trên diện rộng, dự báo có nguy cơ gây lũ nhỏ và vừa. Hơn lúc nào hết, chính quyền, các cơ quan chức năng và nhân dân miền Trung cần nỗ lực hơn nữa trong việc phòng chống bão Nock-ten, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản.

Sơn Tùng  

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu