14:02 ngày 01/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thượng tướng Tô Lâm: Tỉnh Phú Thọ cần tăng cường phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng

10:08 26/11/2016

(THPL) - Ngày 25/11, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, chủ trì Hội nghị công bố kết luận kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế tại tỉnh Phú Thọ.

Ngày 25/11, làm việc với Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có các đồng chí: Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Minh Châu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh và một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo Thành ủy Việt Trì, Huyện ủy Thanh Thủy…

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo đánh giá, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền Phú Thọ đã xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm; công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được chỉ đạo sâu sát và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị… 

Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng đoàn công tác số 2 phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh Noichinh.vn)

Sau phát biểu của Thượng tướng Tô Lâm, đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Phó Trưởng đoàn đã thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Phú Thọ. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm kinh tế, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển KT - XH của tỉnh…

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Minh Châu, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan trong khối nội chính của tỉnh và thành viên Đoàn công tác đã phát biểu, nêu lên đặc điểm tình hình, bổ sung, làm rõ hơn những vấn đề đặt ra trong dự thảo báo cáo, kiến nghị một số nội dung để đoàn nghiên cứu, góp phần khẳng định tính khách quan, toàn diện, khoa học, chính xác, phù hợp với thực tế tình hình trong kết quả kiểm tra, giám sát.

Đồng chí Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh Noichinh.vn)

Đoàn công tác cũng lưu ý một số kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra đối với dự án lớn trên địa bàn tỉnh được dư luận quan tâm như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đường Nguyễn Tất Thành tại phường Vân Cơ thành phố Việt Trì đã tồn tại nhiều sai phạm làm phát sinh nhiều khiếu nại tố cáo đông người, cơ quan báo chí phản ánh nhiều, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên việc xử lý trách nhiệm về Đảng, chính quyền đối với tổ chức cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm chưa được thực hiện nghiêm túc. 

Kết luận hội nghị, Trưởng đoàn công tác số 2 Thượng tướng Tô Lâm biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị của tỉnh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đánh giá cao công tác thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế tại tỉnh Phú Thọ thời gian qua, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. 

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh, tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Trung ương về phát hiện, xử lý những vụ việc tham nhũng; phát huy vai trò của Ban Nội chính trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác phòng chống tham nhũng; tập trung công tác thanh tra, kiểm tra vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tự kiểm tra, tự giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. 

Đồng chí Tô Lâm yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ chủ trì, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt các kiến nghị mà Đoàn công tác đã nêu trong dự thảo báo cáo và ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Phú Thọ để chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp…

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cảm ơn Đoàn công tác đã chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế; tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của Đoàn công tác và yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian tới./.

Theo Dự thảo Báo cáo tại Hội nghị, Tỉnh ủy Phú Thọ đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 04-02-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.  
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra vụ việc; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, cũng như những sơ hở, hạn chế trong quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục.  

Từ năm 2011 đến 30-6-2016, ngành thanh tra tỉnh đã thực hiện 2.085 cuộc thanh tra; phát hiện 2.335/4.560 đơn vị có sai phạm; kiến nghị thu hồi 149,72 tỷ đồng, đã thu hồi 136,3 tỷ đồng (đạt 91%); xử phạt vi phạm hành chính 3.076 tổ chức, 2.359 cá nhân; xử lý kỷ luật 33 người và kiểm điểm 57 người. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 05 vụ/09 đối tượng có hành vi tham nhũng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. 

Cơ quan điều tra các cấp đã tiến hành điều tra, xử lý 78 vụ/165 bị can phạm các tội về kinh tế, tham nhũng, đạt kết quả tích cực. Viện kiểm sát hai cấp thụ lý, kiểm sát điều tra 71 vụ án/152 bị can; đã giải quyết 69 vụ/150 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 65 vụ/131 bị cáo. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Dự thảo báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế; chưa chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ đơn vị mình; các hành vi tham nhũng được phát hiện chủ yếu thông qua đơn tố cáo của công dân.Việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số trường hợp còn chậm, có việc kéo dài.  

Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra chưa nhiều. Chất lượng, hiệu quả một số cuộc thanh tra chưa cao, phát hiện sai phạm còn hạn chế. Một vài cuộc thanh tra phát hiện sai phạm, gây thiệt hại về kinh tế, mặc dù đã tập trung thu hồi tài sản, nhưng chưa chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm để kiến nghị, yêu cầu xử lý trách nhiệm. Việc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm ở một số địa phương, đơn vị chưa kiên quyết, kịp thời và chưa tương xứng với khuyết điểm, sai phạm, có việc xử lý chưa nghiêm. Chưa thường xuyên, kiên quyết trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện một số kiến nghị trong kết luận thanh tra, nhất là việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm. 

Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn để kéo dài; có vụ án phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng Viện kiểm sát đình chỉ điều tra khi vụ án chưa được điều tra triệt để, toàn diện, chưa bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp luật. Trong công tác xét xử, Tòa án áp dụng hình phạt trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đúng quy định của pháp luật (áp dụng hình phạt tù, cho một số bị cáo được hưởng án treo hoặc phạt cảnh cáo chưa phù hợp). 

Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế còn có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ; việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm về kinh tế có lúc, có việc chưa kịp thời…


Đại Lộc

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu