16:33 ngày 11/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Theo chân du khách đi “viết thầm” cầu may tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

15:05 03/02/2017

THPL – Đi lễ đền, chùa, miếu đầu năm là một phong tục tốt đẹp của người Việt Nam. Người ta đi lễ, để gửi gắm tâm nguyện, để cầu mong một năm tới nhiều may mắn, sức khoẻ, tài lộc. Riêng Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) còn là một nơi để các sĩ tử gửi gắm mong ước về những điều tốt đẹp trong học tập.

Quốc Tử Giám, “Trường đại học” ngàn năm tuổi

Có nhiều người Việt Nam đến nay vẫn coi Văn Miếu và Quốc Tử Giám là một. Đây là một sự hiểu nhầm rất đáng tiếc. Văn Tuyên Vương Miếu, có nơi gọi là Khổng Miếu hay Phu Tử Miếu, là nơi để thờ Khổng Tử, người khai sáng Nho giáo, triết gia lỗi lạc của châu Á. Bắt đầu từ thời nhà Minh ở Trung Quốc, Văn Tuyên Vương Miếu được gọi là Văn Miếu để đối ứng với Vũ Miếu (nơi thờ Nhạc Phi, Quan Vũ).

Ở Việt Nam hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 11 Văn Miếu được xây dựng, thờ cúng trên cả nước bao gồm cả Văn Miếu tại TP. Huế và Văn Miếu mới được tôn tạo tại tỉnh Vĩnh Phúc. 

Khu Văn Miếu thờ tự Khổng Tử và các vị Tiên hiền, Tiên nho của Nho giáo. 

Văn Miếu Hà Nội được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học". Như vậy Văn miếu ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông lúc đó mới 5 tuổi. Đến năm 1072, Lý Càn Đức lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông khi mới 8 tuổi. 

Ngày xuân, đông đảo du khách tới thắp hương tại Văn Miếu, gửi những mong ước tốt đẹp về học hành, thi cử.

Phía sau Văn Miếu, có tường vây, và cánh cổng gọi là cửa Thái Học. Đây chính là khu Thái Học, tách biệt với khu Văn Miếu bên ngoài. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng trường Quốc Tử Giám và chọn quan viên, văn chức biết chữ vào dạy học. Năm 1236, trường được mở rộng, đổi tên thành Quốc Tử Viện, sau là Quốc Học Viện. Dưới triều Lê, đổi tên thành Thái Học Viện với quy mô kiến trúc khang trang gồm: cửa Thái Học, nhà Minh Luân, giảng đường phía Đông và phía Tây, kho Bí thư chứa ván gỗ đã khắc thành sách và 2 dãy Tam xá ở hai bên nhà Thái Học, mỗi bên 3 dãy, mỗi dãy 25 gian để làm chỗ cho học sinh nghỉ ngơi.

Một góc của Tam Xá xưa, nhìn từ gác 2 nhà Hậu đường khu Thái Học.

Quốc Tử Giám tồn tại hơn 700 năm và trở thành trung tâm giáo dục cao cấp nhất, lớn nhất của Việt Nam qua 7 thế kỷ.  Đến năm 1802, triều Nguyễn định đô ở Huế và cho xây dựng Văn Miếu, Quốc Tử Giám tại đây. Lúc này Quốc Tử Giám Thăng Long bị thu hẹp dần và trở thành trường học của phủ Hoài Đức, sau xây điện Khải Thánh thờ cha mẹ của Khổng Tử. Năm 1946, khu Thái Học bị chiến tranh phá huỷ hoàn toàn.

Năm 2000, khu Thái Học đã được xây dựng lại trên nền Quốc Tử Giám xưa, được sử dụng làm nơi tôn vinh truyền thống văn hoá giáo dục của Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những nét đẹp trong lễ hội xuân Đinh Dậu 2017

Du khách đến với khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám xuân Đinh Dậu năm nay dễ dàng có thể thấy nhiều nét văn hoá mới rất đáng chú ý tại đây.

Hoạt động cho chữ năm nay được tổ chức ngăn nắp hơn, không bát nháo như xưa. Những người muốn xin chữ sẽ phải đứng thành hàng trong khu vực quy định đợi đến lượt. Sau khi trả tiền (100,000 đồng/bức) sẽ nhận “phôi tranh” và số thứ tự, đi vào bàn cho chữ và đợi các thầy đồ viết chữ theo ý mình. 

Trật tự xếp hàng chờ đến lượt lấy số, lấy "phôi tranh".
Vui mừng "phơi chữ" cho chóng khô .

Với những sĩ tử mong muốn được các bậc Tiên hiền, Tiên nho quan tâm hơn đến nguyện vọng của mình thì có thể “Viết thầm” trên bức tường phía sau tượng Khổng Tử. Một khoảng tường trắng lớn, những sĩ tử dùng ngón tay viết những dòng tâm nguyện tưởng tượng của mình lên tường. Bức tường lúc nào cũng đông người chờ đợi viết nhưng vẫn sạch sẽ trong khi các sĩ tử vẫn đạt được tâm nguyện của mình. Các du khách nước ngoài cũng rất hứng thú với hình thức “viết thầm” này và kiên nhẫn chờ đợi đến lượt để được viết.

Sĩ tử dùng ngón tay viết những dòng tâm nguyện tưởng tượng của mình lên tường. Ảnh: Minh Tú 
Đông đảo du khách kiên nhẫn đợi đến lượt để được "viết thầm" lên tường Văn Miếu, phía sau tượng Khổng Tử .

Trong ngày mùng 5 Tết vừa qua, theo ước tính của Ban quản lý khu di tích, có khoảng hơn một vạn du khách về dâng hương. Tuy nhiên, không một trường hợp nào xông vào khu bia Tiến sĩ để sờ đầu rùa đá, không có du khách nào dẫm lên thảm cỏ, ngắt hoa, bẻ cành. Đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng đối với Khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Du khách rất đông nhưng luôn có ý thức giữ gìn cảnh quan của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
 
Năm nay không xảy ra hiện tượng du khách vượt rào vào sờ đầu rùa đội bia Tiến sỹ như những năm trước.
 
Các loại hình nghệ thuật dân gian thu hút rất đông khán giả thưởng thức.

Khu vườn Thái Học được Ban tổ chức sắp xếp biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như Quan họ, Chầu văn, hát đối … thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách.

Sơn Tùng   

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu