10:21 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh tra việc quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 10/6

Văn Nam (T/h) | 22:03 09/06/2023

(THPL) - Ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan.

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đoàn thanh tra chuyên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Dầu khí và than.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong những ngày gần đây đã xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung điện gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân. Trong vai trò quản lý nhà nước, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, có nhiều cuộc giao ban liên quan đến việc cung ứng điện của năm 2023 như biểu đồ cung cấp than, dầu, khí cho sản xuất điện và kế hoạch cung ứng điện.

“Có thể nói, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện cung ứng nguồn than cho chạy điện của các nhà máy nhiệt điện và đã góp phần cải thiện tình hình cung ứng điện”- ông Diên khẳng định.

Sẽ thanh tra việc quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 10/6. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng, để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tìm đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng yêu cầu Đoàn thanh tra làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN. Cụ thể, cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu công tác thanh tra cần khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày, kể cả ngày nghỉ và bắt đầu thanh tra từ ngày mai 10/6. Bộ trưởng đã giao Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn Thanh tra để có kết luận chính xác, khách quan.

Liên quan đến cung ứng điện, trong chỉ thị ngày 8/6 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra thực trạng nguồn cung điện hiện nay và những năm tới gặp nhiều thách thức, trong khi nhu cầu điện tăng cao. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng.

Các hộ gia đình được khuyến khích dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không dùng. Người dân nên ưu tiên mua sắm thiết bị điện hiệu suất cao hoặc dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế dùng bóng đèn sợi đốt.

Mỗi hộ gia đình được khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ nhu cầu tại chỗ; dùng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

Trước đó, tại cuộc họp về cung ứng điện ngày 7/6, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết việc cung ứng điện cho các khu vực miền Nam, miền Trung nhìn chung sẽ được bảo đảm do có nhiều nguồn điện. Tuy nhiên, tình hình cung ứng điện ở miền Bắc đang rất khó khăn, do đặc trưng nguồn thủy điện chiếm tỉ trọng lớn, với 43,6%.

Theo ông Hòa, tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà đã về mực nước chết. Riêng 2 hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 13/6. Như vậy, tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.

Trong khi đó, về nguồn nhiệt điện, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị. Một khó khăn khác được ông Hòa chỉ ra là khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 KV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Ông Trần Việt Hòa cho hay, tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.

Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu KWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu KWh). "Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày" - ông Hòa lo ngại.

Văn Nam (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu