05:45 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Giá vật liệu “nhảy múa”, doanh nghiệp kêu trời

Duy Duẩn | 18:03 30/03/2023

(THPL) – Việc để giá nguyên vật liệu trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa “nhảy múa” trong thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp “khốn đốn” làm không được, bỏ cũng không xong, thậm chí có doanh nghiệp đã phá sản. Câu hỏi đặt ra đó là vai trò quản lý nhà nước của các nhà quản lý ở đâu khi doanh nghiệp kêu than là vậy nhưng mấy ai thấu hiểu?!.

Công bố giá không sát với thực tế

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Thanh Hóa vừa diễn ra, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- chi nhánh Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa tổ chức, nhiều doanh nghiệp xây lắp kiến nghị liên quan đến giá vật liệu xây dựng chưa đồng nhất.

Theo đó, giá vật liệu xây dựng do Nhà nước ban hành thấp hơn nhiều so với giá vật liệu xây dựng thực tế, điều này dẫn đến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai dự án.

Tại bảng công bố giá VLXD gần đây nhất của liên sở: Xây dựng và Tài chính, khu vực TP Thanh Hóa, cát bê tông 215 nghìn đồng/m3, cát trát 225 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, theo khảo sát giá thị trường, giá cát xây, trát 400 nghìn đồng/m3, cát nền 250 nghìn đồng/m3.

Bảng thông báo giá VLXD trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa sát với giá thị trường khiến doanh nghiệp "khốn đốn"

Tại huyện Quảng Xương, giá theo công bố cụm I, cát xây, trát 267.800 đồng/m3, thực tế giá thị trường 350 nghìn đồng/m3 (chưa thuế VAT); cát bê tông giá công bố 289.200 đồng/m3, giá thị trường 350 nghìn đồng/m3 (chưa thuế giá trị gia tăng). Tại huyện Quan Hóa, cụm I giá công bố là 245 nghìn đồng/m3, thực tế thị trường 400 nghìn đồng/m3; cát nền thông báo 165 nghìn đồng/m3, thực tế không có hàng để bán…

Trong khi đó, hầu hết các Ban quản lý dự án từ tỉnh đến TP rồi các huyện đều phải căn cứ vào giá công bố của Sở Xây dựng làm căn cứ mời thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán các công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo quy định.

Việc các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa công bố giá VLXD hàng tháng, hàng quý không sát với giá thị trường, cùng với việc khan hiếm đất, cát đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tiến độ của các công trình, nhất là các gói thầu có sử dụng vốn Nhà nước.

Tại Thanh Hóa, giá VLXD "nhảy múa" trong thời gian qua.

Để có nguồn VLXD và hóa đơn cung cấp cho các công trình, nhiều nhà thầu xây dựng đã đấu mối với các chủ mỏ nhưng lại không có trữ lượng để bán, nếu có bán thì giá cao gấp đôi so với giá công bố của Sở Xây dựng. "Tính ra, mỗi m3 đất, cát sử dụng cho công trình, nhà thầu lỗ ít nhất cả trăm nghìn đồng cho 1m3 đất, đá, cát. Do vậy nếu cứ làm thì chỉ còn cách “bán nhà đi bù lỗ” cũng không đủ, nên nếu muốn còn nhà để ở chỉ còn cách chấp nhận mất những gì đã đầu tư để trả lại dự án…", một chủ doanh nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa thẳng thắn chia sẻ.

Trong khi đó, tại một số huyện miền núi có ít mỏ vật liệu để các doanh nghiệp hoàn thành tiến độ theo hợp đồng. Nếu muốn đạt tiến độ, bắt buộc các nhà thầu phải mua VLXD của các nhà cung cấp khai thác “tặc” không có hóa đơn, buộc doanh nghiệp phải lấy hóa đơn nơi khác để hợp thức hóa. Nếu làm vậy thì đồng nghĩa với việc đưa các nhà thầu vào tình thế sai phạm, và trên thực tế đã có doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý.

“Doanh nghiệp tôi mất tiền mua thật, giá cao hơn thông báo giá của Nhà nước, ai cũng biết là lấy tiền thật ra mua nhưng “tiền mất tật mang, tội vẫn phải chịu” vì khi công an vào cuộc điều tra sẽ khép vào tội “mua bán hóa đơn trái phép”, khi mua hàng chúng tôi chỉ biết doanh nghiệp đó xuất hóa đơn cho chúng tôi theo khối lượng và mức giá đã mua là chúng tôi lấy, chứ đơn vị tôi làm sao có chức năng để kiểm chứng xem đó là hóa đơn giả hay thật được, ấy vậy mà khi công an vào điều tra thì chúng tôi lại dính tội là mua hóa đơn giả, quả là điều khó có thể nói hết được”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Doanh nghiệp “phá sản” vì phải mua VLXD giá cao

Qua tìm hiểu, một doanh nghiệp chuyên ở lĩnh vực đường giao thông ở Thanh Hóa cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi làm trong nghề giao thông khá nhiều năm, dày dạn kinh nghiệm, thế nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như năm nay. Khó ở chỗ, lúc đấu thầu thì giá VLXD thấp, không bám theo giá thị trường, khi thực hiện dự án thì giá VLXD cát, đất, đá bỗng dưng tăng cao, lại khan hiếm, trong khi đó giá của gói thầu không được điều chỉnh, chủ đầu tư chỉ thanh quyết toán theo giá công bố của liên sở: Xây dựng và Tài chính, trong khi giá công bố và giá mua VLXD thực tế lại chênh lệch gấp đôi thậm chí còn cao hơn nữa. Để tiếp tục gói thầu không bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho công nhân, máy móc, xe cộ, buộc chúng tôi vẫn phải “cắn răng” để làm, chả biết rồi cầm cự được đến khi nào nữa.

Trên thực tế, khi đấu thầu áp dụng theo giá thực tế để lập giá dự thầu thì vượt giá phê duyệt gói thầu nên nhà thầu muốn trúng thầu phải lấy thông báo giá hàng quý của liên sở: Xây dựng và Tài chính làm giá dự thầu. Vì thế, trong quá trình thi công mua VLXD, bên bán chỉ xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo giá trị của liên sở: Xây dựng và Tài chính công bố ở các địa phương. Đây cũng là lỗ hổng để các chủ mỏ đất, đá, cát có dấu hiệu trốn thuế, mà đã trốn thuế thì vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Giá vật liệu bất ổn khiến nhiều chủ mỏ bán giá cao hơn nhiều so với giá công bố.

Theo anh Lê Ngọc Q. Chủ tịch CTCP HC trên địa bàn TP Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi đang làm công trình ở huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, ở những địa phương này không có mỏ, giá cát lại cao, trong khi giá liên sở: Xây dựng và Tài chính công bố chỉ bằng một nửa so với thực tế doanh nghiệp đi mua ở các tỉnh khác hoặc huyện khác đưa về.

Do không có mỏ, khi công an kiểm tra hóa đơn, chứng từ, bắt buộc doanh nghiệp phải dừng thi công công trình để tìm các đối tác cung cấp nguồn cát đúng nguồn gốc, hóa đơn. Nếu cứ đà này, càng làm càng lỗ, nguy cơ “phá sản” là hiện hữu. Do đó, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các ban, ngành chức năng nên kiểm tra thực tế, tìm giải pháp “cứu” doanh nghiệp trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như thế này”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật về giá VLXD, ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, nhiều nhà thầu không dám ứng tiền, vì nếu ứng thì thủ tục là ứng mua VLXD, do có sự chênh lệch giữa giá công bố và giá thực tế lại không cách nào điều chỉnh được giá nên các nhà thầu đều “im lặng” không dám ứng. Thực tế, hiện có khoảng 5 doanh nghiệp làm đơn trả lại các dự án sau khi đã trúng thầu, do giá VLXD tăng cao, chưa có mặt bằng thi công…

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan kiểm tra một mỏ cát trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.

“Việc giá cả VLXD tăng cao có nhiều yếu tố cộng hưởng, trữ lượng mỏ đất, cát, đá ít; giá xăng dầu tăng, cước vận chuyển tăng, xe tải phải cắt cơi thành thùng. Doanh nghiệp chồng chất khó khăn, lỗ thật lãi giả, vừa chống chọi xong dịch bệnh lại đến cơn bão giá. Ngoài ra, việc cơ quan chức năng làm gắt về mặt hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc mỏ cũng là vấn đề làm giá VLXD tăng cao trong thời gian qua. Hiện nay, chúng tôi đang vận động các doanh nghiệp chia sẻ với chủ đầu tư trong lúc này, vì nếu tổ chức đấu thầu lại các gói nhà thầu trả lại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, đội giá vì tăng chi phí đầu tư, làm phá vỡ kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư công”, ông Hưng chia sẻ.

Tình trạng chung trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa là việc thiếu hụt và tăng giá tài nguyên đất, cát, khiến các công trình, dự án chậm tiến độ. Đã có nhiều doanh nghiệp “dọa” trả dự án vì càng làm càng lỗ, thậm chí đã có doanh nghiệp xin trả lại dự án cho chủ đầu tư và chịu mất chi phí đã bỏ ra để có được dự án. Theo đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa cho biết, "nếu cứ để tình trạng giá vật liệu "nhảy múa" nhất là giá đất, giá cát như hiện nay thì doanh nghiệp càng làm càng lỗ và có nguy cơ phá sản nếu tiếp tục làm, nên chúng tôi đã phải chọn giải pháp là trả lại dự án.

Tại tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều dự án trọng điểm quốc gia cần có nguồn VLXD khá lớn.

Theo ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng nói: Đúng là có việc các ban quản lý dự án đều dựa vào giá công bố của liên sở: Xây dựng và Tài chính để xây dựng giá gói thầu, làm căn cứ tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng, thanh toán, nghiệm thu các công trình có sử dụng vốn Nhà nước.

Việc Sở Xây dựng công bố giá dựa trên các tài liệu, thông tin, giá các mỏ cung cấp, hóa đơn ở các địa phương gửi về. Tuy nhiên, mỗi mỏ đất, đá, cát gửi giá đều khác nhau, nhưng liên sở: Xây dựng và Tài chính không có công cụ nào để đánh giá mà chỉ dựa vào thông tin từ các huyện gửi về làm độ tin cậy để công bố, mặc dù biết giá cung cấp của các huyện gửi về thấp hơn so với giá thị trường. Việc giá VLXD công bố thấp hơn giá thị trường, chúng tôi cũng nhận được phản ánh nhiều, HĐND cũng đã chất vấn về vấn đề này. Hiện nay, câu chuyện giá VLXD không chỉ là của ngành Xây dựng, Tài chính hay tài nguyên nữa mà là của chung toàn tỉnh.

Giá vật liệu nhảy múa đã khiến doanh nghiệp lao đao.

“Tới đây, các mỏ VLXD đất, đá, cát đều phải thuộc diện kê khai giá. Để làm được việc này sẽ phải khảo sát, lấy thông tin về giá, các cơ quan quản lý Nhà nước, công an phải vào cuộc minh bạch trong giá đất, đá, cát. Bên cạnh đó, tỉnh phải chỉ đạo ngành Tài nguyên lập quy hoạch, tổ chức đấu giá các mỏ đã quy hoạch theo các vùng miền để tăng nguồn cung cho các công trình. Công bố giá cũng chỉ là một kênh, trường hợp không có công bố giá thì các chủ đầu tư nên dựa trên báo giá thực tế, khảo sát giá, thuê đơn vị thẩm định giá và phê duyệt gửi về Sở Xây dựng công bố giá cho khách quan. Tuy nhiên, phương án này không đơn vị nào dám làm vì sợ sai, sợ vướng vào vòng lao lý. Bên cạnh đó, để giải quyết được tình trạng này cần có cơ chế đặc thù cấp trực tiếp mỏ VLXD cho các công trình, dự án, khi làm xong thì đóng cửa mỏ. Làm được việc này thì mới có thể minh bạch về giá”, ông Quang đưa ra giải pháp.

Theo tìm hiểu được biết, gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng tìm cách tháo gỡ vướng mắc về giá VLXD trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay đã hết quý I năm 2023 vẫn chưa tìm được giải pháp cho đúng với diễn biến thực tế về giá VLXD trên địa bàn, để công bố cho sát với giá thị trường.

Việc để giá nguyên vật liệu trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa “nhảy múa” trong thời gian qua đã khiến hàng trăm doanh nghiệp “khốn đốn” làm không được, bỏ cũng không xong, thậm chí có doanh nghiệp đã phá sản, vậy câu hỏi đặt ra đó là vai trò quản lý nhà nước của các nhà quản lý ở đâu khi doanh nghiệp kêu than là vậy nhưng mấy ai thấu hiểu?!.

Theo kế hoạch của UBND tỉn Thanh Hóa, dự kiến sáng 31/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn sẽ chủ trì hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị 25B.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh cùng các Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và khoảng 300 doanh nghiệp đại diện cho các hiệp hội, hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh...

Hội nghị lần này nhằm mục đích chia sẻ, tiếp nhận và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, động viên khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, lao động sáng tạo, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín, chất lượng. Qua đó, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu