10:35 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na ở Kon K'tu

07:53 30/04/2024

(THPL) - Bắt đầu bằng minishow “Kể chuyện cổ trên vải dệt” đến trải nghiệm dệt những tấm vải độc nhất vô nhị... đã tạo nên sức sống mới cho nghề dệt truyền thống của đồng bào Ba Na tại làng du lịch cộng đồng Kon K'tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum).

Nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 8km, làng du lịch cộng đồng Kon K'tu nằm bên dòng sông Đăk Bla là địa bàn sinh sống của đồng bào Ba Na, vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn được nhiều nét văn hóa Tây Nguyên đặc trưng. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm về trước, nghề dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây đã có nguy cơ bị mai một, thất truyền do xu thế phát triển của xã hội.

Vải dệt kể truyện cổ được các em học sinh đón nhận vô cùng thích thú.

Hành trình đi tìm cái “hồn” của dệt thổ cẩm

Nói về cái duyên với nghề dệt truyền thống, anh Thông bộc bạch, trong dịp trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cùng chuyên gia cơ khí của Israel, anh đã gửi tặng họ sản phẩm túi thổ cẩm dệt thủ công từ sợi bông vải trồng tự nhiên của đồng bào Ba Na. Khi được nghe giới thiệu về quá trình kéo sợi và dệt vải, các chuyên gia đều vô cùng bất ngờ về tài hoa của người thợ đã dệt lên những hoa văn độc đáo, sặc sỡ sắc màu.

Cũng vì trăn trở giá trị truyền thống của nghề dệt đang bị mai một, anh Thông đã thôi thúc bản thân phải làm gì đó để quảng bá sản phẩm đó đến với bạn bè trong và ngoài nước. Tận dụng các dịp gặp gỡ và tiếp đón chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam, anh đã giới thiệu các sản phẩm dệt thủ công nhằm tạo ấn tượng sâu đậm về văn hóa bản địa cũng như đưa nghề truyền thống của đồng bào Ba Na đến gần hơn với mọi người. Đây cũng là bước khởi đầu trong hành trình dài tìm hiểu, khôi phục và phát triển dòng vải dệt thổ cẩm cổ đúng gốc của đồng bào Ba Na tại Kon Tum.

Các nghệ nhân ở đây đều ở tuổi xế chiều nhưng vẫn cặm cụi bên khung dệt, làm nên bộ váy áo, cái khố, tấm địu phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Nghệ nhân Y Yin kể truyện cổ trên tấm vải dệt cho du khách tại Làng Kon K’tu.

Khi bắt tay vào khôi phục và bảo tồn nghề dệt, anh Thông gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn tài nguyên nghiên cứu như sách báo hay tài liệu chuyên sâu về hoa văn hoạ tiết đều rất hiếm. Việc tìm kiếm và sưu tầm các hiện vật mẫu, nghệ nhân còn nhớ được hết các công đoạn để làm nên một tấm vải hoàn toàn tự nhiên như “mò kim đáy bể”. Không những vậy, từ nhiều năm nay, sợi chỉ công nghiệp đã thay thế hoàn toàn sợi tự nhiên, vải dệt giá rẻ từ máy công nghiệp khổ lớn cho số lượng nhiều đã áp đảo hoàn toàn vải dệt tay thủ công.

Suốt 5 năm rong ruổi để đi tìm kho tàng sống của nghề dệt thổ cẩm đúng gốc đồng bào Ba Na, anh đã có được câu trả lời của mình ở làng Kon K'tu. Anh Thông cho biết: Các bà (hay còn gọi là nghệ nhân) ở đây đều ở tuổi xế chiều nhưng vẫn cặm cụi bên khung dệt, làm nên bộ váy áo, cái khố, tấm địu phục vụ cuộc sống hàng ngày. Đáng nói, nơi đây sợi bông tự nhiên vẫn được thu hái từ cây bông giống bản địa để tách hạt, se sợi, nhuộm sợi trước khi dệt và sử dụng làm nguyên liệu dệt. Không những vậy, hoa văn dệt và cách phối màu trên vải của đồng bào Ba Na nơi đây khác với những nhóm dệt đồng bào Ba Na mà anh từng nghiên cứu. Ngoài những màu truyền thống nguyên gốc như màu trắng (Mâu kok), đỏ (Bre), đen (Găm), xanh đen (Nhơc blenh), màu vàng (Dreng), màu cam đỏ (Cam brê) thì có nhiều màu sắc mới lạ gọi là tone màu pastel (màu nhạt-PV) phù hợp xu thế của thời đại.

Khi đã tìm sưu tầm được đầy đủ những thứ mình cần, anh Thông đã đặt ra định hướng cho con đường khôi phục và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ba Na ở KonTum. Đó chính là mang lại làn gió mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhưng đảm bảo phải giữ nguyên vẹn được xương sống tạo nên tấm thổ cẩm gồm: trồng cây bông vải lấy sợi, kỹ thuật dệt tay và nhuộm màu thủ công.

“Ai cũng có thể dệt”

Đến Tháng 3/2023, sau nhiều năm đồng hành, làm và khôi phục dòng vải dệt cổ, anh Thông đã xây dựng cơ sở Thong Bahnar Weaving Culture (ThongBahnar) nằm bên cạnh nhà Rông của làng Kon K'tu. Đây là nơi du khách trong và ngoài nước có thể trải nghiệm du lịch cộng đồng kết hợp trải nghiệm tham quan, tự tay dệt lên tấm thổ cẩm dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Ba Na gạo cội.

Cùng với những nghệ nhân tài hoa, ThongBahnar hiện là đơn vị duy nhất ở Việt Nam dệt và sở hữu gần 20 tấm vải cực kỳ độc đáo chuyên sử dụng những hoa văn và hình ảnh dệt để kể những câu truyện cổ dân gian. Những tác phẩm đó được đặt với tên gọi “vải dệt kể truyện cổ” và thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm.

ThongBahnar hiện là đơn vị duy nhất ở Việt Nam dệt và sở hữu gần 20 tấm vải cực kỳ độc đáo chuyên sử dụng những hoa văn và hình ảnh dệt để kể những câu truyện cổ dân gian.
... chuyên sử dụng những hoa văn và hình ảnh dệt để kể những câu truyện cổ dân gian.

Dựa trên nhu cầu và mong muốn trải nghiệm của du khách, anh Thông đã tiên phong triển mở workshop (hội thảo - PV) dệt vải với chủ đề “Ai cũng có thể dệt” để mang nghề dệt đến gần hơn với tất cả mọi người. Du khách gần xa khi đến đây không chỉ được tận mắt ngắm nhìn những nghệ nhân chăm chú dệt từng hoa văn rất tỉ mỉ, mà còn được trực tiếp dệt cùng với thợ dệt nơi đây. Bên cạnh đó, các minishow (buổi biểu diễn trong không gian ít khán giả-PV) "Kể chuyện cổ trên vải dệt" kết hợp giới thiệu những tấm vải dệt độc nhất vô nhị cũng được thực hiện ngay sau buổi workshop.

Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Y Yin - một trong vài người còn biết kéo sợi thủ công ở làng Kon K'tu cho biết: Kéo sợi là công đoạn đầu tiên để tạo nên các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ba Na. Một tấm thổ cẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn như lấy bông, se sợi, nhuộm sợi..các công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ, óc sáng tạo và sự khéo léo. Có được sự động viên của anh Thông, bà Y Yin đã sáng tạo thêm nhiều hoa văn, hoạ tiết mới nhằm truyền tải những câu chuyện lưu truyền trong dân gian thành những hình ảnh trên vải dệt. Những câu chuyện phản ánh đời sống của buôn làng, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác… 

Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: Nguồn lực từ Dự án 6 - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đã và đang tạo động lực mới để duy trì, phát triển đưa thổ cẩm tiếp tục vươn xa. Thời gian qua, địa phương cũng đã chủ động xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, vạch ra mục tiêu cụ thể về phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình bảo tồn nghề dệt thổ cẩm kết nối du lịch di sản tại làng Kon K'tu góp phần tồn và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc Ba Na trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có thể thấy, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na đã thực sự chuyển mình khi có làn gió mới thổi qua, thay vì loay hoay đi tìm cách bảo tồn thì giờ đây đã có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ để chúng không bị lụi tàn, nhờ vậy mà người thợ thủ công có cuộc sống ổn định và là niềm tự hào của đồng bào Ba Na ở làng du lịch cộng đồng Kon K’tu.

Thu Trang

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu