21:09 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sự trở lại của bản thảo ố vàng "Đêm núm sen"

| 22:32 21/05/2017

(THPL) - "Đêm núm sen" viết năm 1961, cũng như nhiều tác phẩm khác, phải đợi nhiều thập niên sau mới đến được với công chúng.

Sự trở lại của bản thảo ố vàng ''Đêm núm sen''
Bìa cuốn "Đêm núm sen".

Sau khi viết xong tác phẩm "Đêm núm sen", nhà thơ Trần Dần đã cất vào ngăn kéo. Khoảng 30 năm sau đọc lại, ông thấy mất vài trang và thất lạc cả một chương sách.

Trong phần di cảo, ông đã hai lần xót xa về sự thất lạc này. Khi thì ông viết: “Chuột bọ gặm nhấm nát hết? Chỉ còn cứu lại được vài trang này trong cả chương X? Ngay cái tên chương cũng mất? Bạn đọc tha hồ tưởng tượng theo mạch truyện”.

Cũng có khi ông tự gọi mình là “Tư Mã Nằm”, rồi ông thở dài: “Người ta có thể trách tôi đủ thứ! Kém trách nhiệm? Vô ý thức bảo quản tác phẩm? Cẩu thả? Buông lung? Không dạy được vợ con ý thức bảo tàng? Những điều kể ra cũng có cơ sở? Cũng đáng trách đấy?... Song chậc? Tư Mã thở dài… “Mất rồi thì thôi”".

Sau 20 năm ngày ông qua đời, các con ông đã tìm được phần thất lạc của tiểu thuyết. Anh Trần Trọng Văn - con trai thứ hai của nhà thơ - kể thỉnh thoảng anh đọc di cảo của cha. Trong đó ông có nói đã viết ba tiểu thuyết và đôi chỗ nhắc chuyện tác phẩm bị thất lạc vài chương, đoạn.

Qua thời gian dài dày công hoàn thiện bản di cảo (do thất lạc một số trang) xong rồi đánh máy lại “Đêm núm sen”, có những chỗ bản thảo đã thủng, rách, chữ viết bằng bút mực lâu ngày cũng phai mờ ít nhiều, anh Văn phải dùng kính lúp soi từng chữ rồi gõ lại. Kết hợp với đó là họa sĩ Tạ Huy Long đã rất tỉ mỉ minh họa cho cuốn tiểu thuyết với 23 bức tranh được in kèm.

Một minh họa "tái sinh" minh họa của Trần Dần.

“Mỗi lần đứt tay… lại đau một lần”. Mỗi lần đau, lại một lần thấy có “nhiều im lặng biết nói”, cùng “nhiều câu nói không nói gì”. Đấy là những nỗi đau lặp lại. Đấy là thân phận của một nhân vật kiến, của cả loài kiến. Đấy là ngôn từ, chẳng thể chỉ dành riêng cho một người, cho nhiều người hoặc cho cả loài người”.

Đó là một đoạn mở đầu của lời tựa, chân thật mà sâu sắc khiến người đọc bị thu hút bởi “những im lặng biết nói”, gợi thêm sự tò mò hơn khi vào nội dung chính của tác phẩm là câu chuyện tình yêu đẹp của Kiến và Sứa với những phập phồng, thẹn thùng, nhớ nhung, đau khổ, say đắm. Văn hoá yêu đương rất nhẹ nhàng mà chứa đựng rất nhiều cảm nghĩ - cảm nghĩ về con người, về cuộc sống, về thiên nhiên...

"Đêm núm sen" viết theo kiểu truyện đồng thoại. Tác phẩm mang đến cho độc giả những cái nhìn mới lạ về cuộc sống mà không bao giờ lạc hậu với thời gian. Nhà thơ Trần Dần luôn muốn giữ gìn những nét văn hoá thuần mỹ của dân tộc cách điệu qua những lời văn, vần thơ của ông.

"Đêm núm sen" viết về thế giới loài kiến, với nhân vật chính là Kiến Gầy. Kiến Gầy sinh ra, lớn lên rồi phải lòng một cô gái đẹp vô ngần tên là Sứa.

Một minh họa "tái sinh" minh họa của Trần Dần.

Nhưng tình yêu của Kiến Gầy bị ngăn trở, chia cách... Trong thế giới tưởng tượng ấy là câu chuyện của chiến tranh, nơi những phận kiến-người, người-kiến bị nghiền nát tất cả, cuộc sống yên bình, tình yêu… Qua câu chuyện tình yêu của Kiến Gầy và Sứa, tác giả muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp "nhiều im lặng biết nói".....

"Đêm núm sen chính là tình yêu, là cuộc đi tìm tình yêu. Và bởi vì tình yêu mà lũ kiến có thể hoá thân thành người hoặc ngược lại con người sẵn sàng mang kiếp của kiến. Nhưng thực ra kiếp người hay kiếp côn trùng, đâu có khác gì nhau. Những loại chủng này bao giờ cũng lủng củng yêu thương, ngay cả khi chiến tranh ập đến, ngay cả khi chúng bị cuốn vào đau thương và mất mát. Cái còn lại chỉ là tình yêu. Và quan niệm về tình yêu thì chẳng làm sao thay được. Đấy là khi anh Kiến Gầy thổ lộ lời yêu với nàng kiến: "Sứa có tin là tôi yêu Sứa thế này, tức là tôi chỉ yêu độc có mình tôi thôi không?" 

Nếu như cuốn tiểu thuyết "Những ngã tư những cột đèn" xuất bản trước đây của Trần Dần được thán phục bởi lối viết, thì "Đêm núm sen" được ca ngợi bởi sự sáng tạo trong ngôn từ. Tuy nhiên, hai tác phẩm của ông đều có nét văn hoá chung rất đặc biệt về tình yêu, về cuộc sống và về con người.

Cuốn tiểu thuyết vừa mới phát hành nhưng đã thu hút được rất nhiều độc giả yêu thích văn thơ nói chung và văn thơ Trần Dần nói riêng.

Trần Dần sinh năm 1926, mất năm 1997, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Một số tác phẩm của Trần Dần đã xuất bản: "Trần Dần thơ", "Đi! Đây Việt Bắc", "Những ngã tư những cột đèn", "Người người lớp lớp"...

Vũ Bình

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu