00:37 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lùm xùm bộ SGK Cánh Diều: Nên sửa tiếp hay biên soạn lại?

Tuấn Minh (tổng hợp) | 11:12 24/11/2020

(THPL) - Sau khi dự thảo tài liệu chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề cần sửa chữa trong sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều tiếp tục có nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa sách theo hệ thống bài học, không thể chắp vá, có thể phải biên soạn lại.

Trước đó, NXB Đại học Sư phạm TP HCM đã công bố tài liệu điều chỉnh SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ Cánh Diều để xin ý kiến nhân dân đến hết ngày 20/11, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thẩm định lần cuối.

Liên quan đến tài liệu trên, giới chuyên gia giáo dục đã cho ý kiến về những tài liệu này, trong đó, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, không có chuyện sáng tạo từ cái sai vì nó chỉ làm sai càng thêm sai.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết: “Tôi đã đọc tài liệu chỉnh sửa của SGK Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều và thấy rằng tài liệu chỉnh sửa này quá kém và không đạt yêu cầu hay nói một cách khác là không thể dùng nó để thay thế tài liệu cũ hoặc dùng để bổ sung. Bởi chính tài liệu này lại mắc những sai lầm nghiêm trọng mà không thể nào thông cảm về mặt chuyên môn”.

Báo VOV thông tin, cũng theo ông Đạt, đây là những sai sót ở rất nhiều phương diện, về tư duy, ngôn ngữ, về quan điểm biên soạn và tính logic, tính hệ thống… Các yêu cầu đối với một bộ SGK Tiếng Việt đều không đạt.

Bộ SGK Cánh Diều (Nguồn: Internet)

Liên quan đến bộ SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều, theo Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định đã làm việc thẩm định lần cuối sau khi có ý kiến góp ý về dự thảo tài liệu chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề cần sửa chữa. Trước ngày 30/11, NXB có trách nhiệm hoàn thiện và gửi về địa phương để bổ sung miễn phí tài liệu cho học sinh.

Nhưng theo nghiên cứu nội dung tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều được công bố trên mạng, nhiều chuyên gia, giáo viên cảm thấy chưa thật yên tâm. Một số điều chỉnh vẫn tạo ra các câu khá trúc trắc và khó giải thích cho học sinh. Ví dụ, trang 61, thay “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ” bằng “Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ”… Tức là các từ phổ thông hơn, nhưng ngữ nghĩa lại tối, trong văn cảnh một con thỏ đang là cà rong chơi chỗ nọ chỗ kia, tại sao lại vừa la cà vừa mơ ngủ?

Tương tự, bài số 25, trang 49, SGK Tiếng Việt 1, tập 1. Bài tập đọc như sau: “Nhà sẻ có sẻ bé. Sẻ ca “ri...ri...”. Phía xa là nhà quạ. Quạ la “quà...quà...”. Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì!”. Thế nhưng trong tài liệu chỉnh sửa NXB chỉ sửa từ “quà...quà” thành “quạ...quạ”. Trong khi đó, cả bài đọc này được nhận rất nhiều ý kiến rằng khó hiểu, trúc trắc, rất khó giải thích cho trẻ lớp 1.

Báo Pháp luật và Xã hội thông tin, liên quan đến vấn đề SGK, mới đây tại Diễn đàn Giáo dục Vietnam Educamp 2020, TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Time School cho rằng: Những ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. Đó là lý do vì sao trong sách hay có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ.

Bởi thế, đã rất nhiều lần, câu hỏi về thực nghiệm sách trước khi giảng dạy chính thức, và lấy ý kiến dư luận về sách trước khi phát hành đã được đặt ra. GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Lẽ ra sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều phải được đưa lên mạng ngay từ đầu để xin ý kiến của giáo viên, phụ huynh, dư luận, như thế, những sai sót có khi đã được khắc phục.

Với bộ sách mới, các khâu thẩm định, thực nghiệm…đều có vẻ như vội vàng. Trong khi việc triển khai chương trình GDPT mới, biên soạn SGK mới là một quá trình, đã có thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị. Và nếu khâu rà soát, thẩm định kỹ hơn thì học sinh, giáo viên sẽ không rơi vào tình trạng vừa học, vừa chờ tài liệu chỉnh sửa.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu