18:22 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sẽ có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2022

Minh Đức (tổng hợp) | 15:16 18/04/2022

(THPL) - Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2022 trên khu vực Biển Đông sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn.

Từ đầu năm đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết bất thường đã xảy ra như mùa mưa đến sớm ngay từ giữa tháng 4 ở Nam Bộ hay mưa lũ lớn giữa mùa khô ở miền Trung, Tây Nguyên. 

Nguyên nhân được cho là có liên quan đến hiện tượng La Nina hay còn gọi là pha lạnh. Dự báo La Nina sẽ còn duy trì đến các tháng đầu mùa hè với xác suất lên đến 60%, sau đó sẽ chuyển sang trạng thái trung tính. 

Sẽ có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong năm 2022. Ảnh minh họa

Liên quan đến tác động của La Nina, theo báo VTV News, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: ''Dự báo, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới giai đoạn từ tháng 5-7/2022 có khả năng thấp hơn trung bình (TBNN), sau đó từ tháng 8-10/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với TBNN.

Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, trong khi TBNN khoảng từ 12-14 cơn trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn.

Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ, lượng mưa có xu hướng cao hơn TBNN, đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6-8. Chúng tôi cũng xin lưu ý, trong những năm chuyển pha từ La Nina thành trung tính có thể xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, hay bão mạnh có đường đi phức tạp''.

Nói về tác động của La Nina tới mùa hè sắp tới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết: ''Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã nhận định năm nay nắng nóng đến muộn và thực tế đã chứng minh, thời điểm hiện tại đã là giữa tháng 4 nhưng miền Bắc vẫn còn có những ngày trời rét. Đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện hiện tượng La Nina, dự báo nắng nóng ở Bắc Bộ, Trung Bộ tiếp tục xuất hiện muộn hơn so với trung bình, có cường độ không gay gắt và kéo dài như năm 2020''.

Báo Nhân dân đưa tin, các chuyên gia cũng nhận định, mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ khoảng cuối tháng 4 sang nửa đầu tháng 5. Ngoài ra, từ nay đến hết tháng 5, tại đồng bằng sông Cửu Long khả năng xuất hiện thêm 2-3 đợt xâm nhập mặn tăng cao; các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung từ 17-22/3; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ ngày 17-22/3, từ ngày 29/3-3/4 và từ ngày 15-18/4).

Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời những thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (18/4), không khí lạnh tiếp tục được tăng cường mạnh hơn và đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Theo dự báo, chiều và đêm nay (18/4), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và một số nơi khác ở Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hội tụ gió trên mực 1500m nên ngày và đêm nay (18/4), ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to; các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày hôm nay có mưa, mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ nay (18/4) đến ngày 19/4, ở Bắc Bộ trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16-18 độ, vùng núi từ 13-16 độ; ở Bắc Trung Bộ trời lạnh với nhiệt độ thấp nhất từ 18-20 độ.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu