05:38 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sập mỏ đá ở Myanmar, hơn 100 người thiệt mạng

Thanh Tầm (tổng hợp) | 21:54 02/07/2020

(THPL) - Tính đến tối 2/7 (giờ địa phương), số người thiệt mạng trong vụ lở đất tại mỏ ngọc bích ở bang Kachin, Myanmar đã lên đến 125 người.

Tân Hoa Xã dẫn thông báo từ cơ quan chức năng sở tại cho hay, 31 người khác đã bị thương trong vụ việc đáng tiếc trên.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 8h sáng nay (2/7, giờ địa phương), mỏ đá quý ở thị trấn Hpakant đã bị sập do mưa lớn và lở đất. Việc khai thác ngọc bích khiến nền đất trên sườn núi suy yếu và sụp xuống khi có mưa lớn xảy ra.

Khối bùn thải ở độ cao hàng chục mét đã đổ sập xuống hồ nước mưa bên dưới, tạo ra cảnh như sóng thần cuốn đi nhiều thợ mỏ, nhấn chìm họ trong hỗn hợp nước và bùn.

Đội cứu hộ có mặt tại hiện trường xảy ra vụ sạt lở. Ảnh: Getty.

Theo báo Vietnamnet thông tin, các bức ảnh trên trang tin tức quân sự Myanmar cho thấy, thi thể các thợ mỏ được quấn bạt xếp thành hàng dài trên mặt đất. Một quan chức ước tính, ít nhất 200 người có thể đã thiệt mạng trong thảm họa này.

Maung Khaing, một thợ mỏ 38 tuổi chứng kiến vụ tai nạn, cho biết khi anh đang định chụp ảnh đống bùn thải cao chót vót sắp sụp xuống thì nghe mọi người hét lên "Chạy đi".

"Trong vòng một phút, tất cả những người ở dưới chân núi đã biến mất", Khaing nói với hãng tin Reuters qua điện thoại.

Theo báo VOV cho hay, các vụ lở đất gây chết người thường xuyên xảy ra tại bang Kachin, đặc biệt là khu mỏ Hpakant, phần lớn là do tình trạng bị sập từng phần của các đống phế thải quặng và các đập ngăn nước.

Trước vụ lở đất này, hồi cuối năm 2015 cũng tại khu mỏ Hpakant đã xảy ra một vụ lở đất tương tự làm ít nhất 116 người chết.

Được biết, Myanmar là một trong những nước xuất khẩu đá quý hàng đầu thế giới. Hàng năm ước tính ngành khai khoáng mang lại cho nước này hơn 30 tỷ USD.

Thanh Tầm (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu