07:56 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Sắc xuân về trên quê hương Quảng Ninh

13:50 09/02/2024

(THPL) - Đến với Quảng Ninh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, du khách sẽ được tham gia hội chợ OCOP, chợ hoa lớn nhất năm, làm tranh Đông Hồ, khám phá Tết cổ truyền của các dân tộc trong tỉnh qua các hoạt động gói bánh chưng, vui nhảy sạp…

Năm 2024, chương trình vui xuân đón Tết tại tỉnh Quảng Ninh sẽ được tổ chức công phu, đặc sắc và có nhiều nét mới. Các hoạt động, chương trình cho khách du lịch trong nước và quốc tế cũng sẽ gắn liền với những nét văn hóa, phong tục Tết cổ truyền và diễn ra sôi nổi ở khắp nơi.

Nhiều hoạt động đặc sắc dịp Tết Giáp Thìn

Tới Quảng Ninh dịp này, du khách có thể thưởng thức ẩm thực, xem không khí sắm Tết cổ truyền tại các hội chợ hoa xuân, hội chợ OCOP lớn nhất năm quy mô hàng trăm gian hàng tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh (từ 1-6/2/2024); hội chợ Hoa xuân lớn nhất năm tại TP Hạ Long (từ 31/1- 9/2/2024).

Hội hoa xuân thu hút nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoa tham gia trưng bày và bán sản phẩm.

Tiếp đến là các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật sôi động, hoành tráng đêm Giao thừa và Đại nhạc hội chào Xuân 2024 phục vụ du khách liên tục những ngày Tết (từ ngày 9-12/2). Tại đây, du khách được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn vừa hiện đại vừa mang đậm nét truyền thống, rộn ràng phong cách Tết Việt; được hòa mình vào không khí Tết cổ truyền với các hoạt cảnh, trò chơi; trải nghiệm phong cách Tết 3 miền...

Đại nhạc hội chào Xuân 2024 sẽ có sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng.

Không khí Tết cổ truyền, đặc biệt là nét đẹp phong tục, tập quán các vùng miền sẽ được tái hiện sinh động tại Hội chợ, không gian văn hóa Tết các dân tộc trong tỉnh ở Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh xuyên Tết (từ 1-14/2). Tại đây, du khách được tìm hiểu nét đẹp, phong tục đón Tết độc đáo của nhiều dân tộc ở 13 địa phương trong tỉnh; thưởng thức những món ăn đặc trưng, cùng tham gia nhảy sạp, đánh quay… Du khách còn được hòa vào việc sắm sửa Tết, mặc áo dài, xem múa lân sư rồng, nhận lì xì… hoặc tìm hiểu về tục dựng cây Nêu, cúng tổ tiên, lễ đón Giao thừa...

Du khách sẽ được trải nghiệm nhiều món ăn truyền thống dịp Tết khi đến Quảng Ninh.

Dịp Tết cổ truyền, ngành du lịch Quảng Ninh còn tổ chức đa dạng các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống; các hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, chợ Tết, phiên chợ ẩm thực với các món ăn truyền thống đặc sản... tại các khách sạn lớn, như: Mường Thanh, Citadines, Dream Hạ Long, Novotel... Cùng với đó là các hoạt động đón du khách đầu tiên tới xông đất Móng Cái, Vịnh Hạ Long, các cảng tàu khách; đón các đoàn khách phía Nam ra Quảng Ninh...

Và đã trở thành thông lệ, trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao sang năm mới, nhiều người dân thành phố đổ dồn về các điểm di tích tâm linh, như: Chùa Long Tiên, đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn, Khu văn hóa Núi Bài Thơ... dâng những nén hương thành kính, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà...

Phong tục đầu xuân của một số dân tộc tại Quảng Ninh

Quảng Ninh có 21 dân tộc thiểu số, đông nhất là người Dao, Tày, Sán Dìu và Sán Chỉ. Mỗi dân tộc lại có những phong tục vui xuân, đón Tết rất riêng và độc đáo.

Người Tày lấy nước đầu năm

Cuộc sống của người Tày luôn gắn liền với các dòng sông, nên vào ngày Tết, họ không quên thắp hương thờ thần sông, rồi hái búp cây le mọc bên bờ sông về ăn lấy lộc, đàn ông hái 7 búp, phụ nữ thì hái 9 búp. Những vật phẩm cần có của mỗi gia đình khi đi lấy nước gồm: Xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương. Trong quan niệm của người Tày, cành dâu có tác dụng xua đuổi tà ma.

Chủ nhà và con cái hoặc anh em cùng đi lấy nước. Trên đường đi, họ sẽ cắm hương ở một số nơi, dự định lúc quay về sẽ xin cành lộc. Đến suối, chọn hướng nước chảy, sau khi cắm cành hoa dâu, cắm hương và đổ các thứ bỏ đi đem theo, họ múc lấy nước để gánh về dùng. Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt, chân tay, nấu bánh chưng thì cả năm sẽ được trong sạch và mát mẻ như suối đầu nguồn.

Người Sán Chỉ với "hỷ phúc và vàn phúc"

Sau mùng 6 Tết, người Sán Chỉ làm lễ hỷ phúc giống như người Tày nhưng không có nghi lễ kiểu như Then. Hỷ phúc được làm thế nào thì cuối năm phải làm lại một lễ tạ ơn giống như vậy gọi là vàn phúc. Lễ vàn phúc gắn với việc chuẩn bị Tết Nguyên đán chính thức diễn ra từ khoảng mùng 10 tháng Chạp trở đi đến hết ngày tất niên. Hỷ phúc và vàn phúc gần giống với tín ngưỡng vay tiền bà chúa Kho của người Kinh.

Ngày Tết, bà con tụ tập chơi kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, ném còn, rồi cừ cáy, cừ pộc như người Tày. Đặc biệt, người Sán Chỉ thích hát Soóng cọ vào mùa xuân. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên từ các buổi đi hát như thế này.

Tết Cả của người Sán Dìu

Người Sán Dìu Quảng Ninh gọi Tết Nguyên đán là Tết Cả (hay thai nén) tức đại niên Tết. Tết cũng là dịp đồng bào làm các món ăn dân tộc truyền thống để kính dâng tổ tiên và cùng nhau quây quần ấm cúng bên mâm cơm gia đình. Thanh niên nam, nữ thì có dịp say đắm bên những câu hát Soọng cô, trẻ em thì thỏa sức tham gia các trò chơi dân gian. Kết thúc ngày Tết, người Sán Dìu làm lễ hóa vàng (sam pha chíu troong), thường là vào mùng 6 hoặc mùng 8 tháng Giêng giờ tốt.

Người Dao ăn Tết sớm

Tết của người Dao kéo dài từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng năm sau. Bắt đầu từ ngày 8 đến 30 tháng Chạp sẽ làm lễ cúng tổng kết năm, hay còn gọi là Tết nhà lớn. Một mâm cỗ tết của người Dao Thanh Y bắt buộc phải có 1 con gà, 1 xâu gan, 2 xâu thịt lợn, 1 bát ốc, 3 chén rượu, hai thứ bánh đặc trưng là bánh gù và bánh bột.

Sắc xuân qua bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam

Trước đó, du khách có thể tới không gian triển lãm trưng bày chuyên đề “Sắc xuân qua sưu tập tranh dân gian Việt Nam” tại Bảo tàng Quảng Ninh. Không gian trưng bày tái hiện ký ức Tết Việt nhằm tạo điểm nhấn cho du khách đến thành phố Hạ Long check in, hoài niệm về ngày Tết những năm 1970-1990. Trưng bày chuyên đề “Sắc Xuân qua sưu tập tranh dân gian Việt Nam” gồm 03 phần chính: in tranh Trưng bày, trải nghiệm dân gian và check in Tết Việt.

Trong đó, không gian trưng bày tranh dân gian với 20 bộ tranh về 05 chủ đề: Tứ quý, tố nữ, tứ dân, bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh dân gian đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi bộ tranh là lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp Xuân mới.

Không gian tái hiện ký ức Tết Việt thu hút các bạn trẻ check-in nhớ về một thời Tết xưa.

Trưng bày chuyên đề “Sắc Xuân qua sưu tập tranh dân gian Việt Nam” nằm trong chuỗi hoạt động mừng Đảng - Mừng xuân Giáp Thìn năm 2024, đồng thời mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng cùng khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với tỉnh Quảng Ninh. Triển lãm trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 23/02/2024.

Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm vệ sinh ATTP dịp Tết

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mùa xuân là thời gian cao điểm của các lễ hội đầu năm, vì vậy nhu cầu sử dụng, tiêu dùng thực phẩm, hàng hoá của người dân, du khách vì thế cũng tăng cao. Điều này cũng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm.

Để bảo vệ người tiêu dùng, du khách, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội xuân, hiện Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường, tích cực kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 2, do Sở Công Thương làm trưởng đoàn kiểm tra việc đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán trên địa bàn TP Móng Cái.

Với định hướng chiến lược Phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế, tỉnh đã giao Sở Du lịch xây dựng Đề án này. Theo đó, xác định phát triển Quảng Ninh trở thành cửa ngõ hàng đầu kết nối với khu vực, trung tâm sự kiện, lễ hội mới hàng đầu cũng như đi đầu trong chuyển đổi số ngành du lịch. Đồng thời, xây dựng hệ thống hạ tầng, kết nối không gian đồng bộ, sử dụng tối ưu tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an ninh quốc phòng.

Các mục tiêu cụ thể về số lượng khách thực hiện bằng hoặc vượt mục tiêu phát triển du lịch đã đề ra theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, dựa trên định hướng phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Đó là đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh phấn đấu đón khoảng 18-20 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 11-12%.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng, kết nối không gian đồng bộ, sử dụng tối ưu tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an ninh quốc phòng. 

Đến năm 2030, du lịch Quảng Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón 25,4 triệu lượt khách, trong đó có 8,7 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 15-16%.

Để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, Quảng Ninh có những điểm mạnh về vị trí địa lý, địa chính trị và đối ngoại quan trọng, là cửa ngõ kết nối liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là với các nước trong khu vực; có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, có giá trị nổi bật; hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và đang phát triển vượt trội; môi trường điểm đến an toàn, an ninh, trật tự và vệ sinh…

Lê Quân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu