17:46 ngày 22/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Quốc hội thảo luận về ATTP: Đại biểu đề nghị sửa luật, tăng xử phạt hành chính và xử lý hình sự

02:30 06/06/2017

(THPL) - Ngày 5-6, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về an toàn thực phẩm (ATTP). Đây là một trong những vấn đề nhức nhối mà người dân quan tâm nhất hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) phát biểu ý kiến. Ảnh: Internet

Ngoài việc chỉ rõ thực trạng vi phạm ATTP hiện nay, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng góp ý nhiều giải pháp để chuyển biến tình hình trong giai đoạn tới. 

Chúng ta đang tự đầu độc chính mình?

Kết quả giám sát cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này khá đồng bộ, tuy nhiên hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để xác định thực phẩm an toàn lại thiếu. Đặc biệt, hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP chưa tương xứng với nhiệm vụ; lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ ngành, đơn vị nên việc triển khai thực hiện còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng yêu cầu, theo đó, tổng ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư cho công tác ATTP giai đoạn 2011-2016 là trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện còn thấp do bị cắt giảm (năm 2016 ngân sách trung ương giảm 56%) và cấp chậm. Cả nước hiện có tới 10 địa phương không có phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm ATTP.

Kết quả giám sát cũng đưa ra một con số nhức nhối: Việt Nam mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca ung thư phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

Thảo luận về nội dung quan trọng này, hầu hết các ĐBQH đều có chung câu hỏi: Tại sao hành lang pháp lý đầy đủ, nhiều Bộ cùng tham gia quản lý mà thực trạng vi phạm ATTP ngày càng trầm trọng? Đâu là giải pháp, là mô hình quản lý hữu hiệu để ngăn chặn thực phẩm bẩn, để không còn cảnh người nông dân trồng hai luống rau, một để bán, một để ăn?

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn ra hàng loạt ví dụ về thực phẩm bị làm giả, biến đổi cho đẹp mắt, giá cao mà phần lớn là nhờ đến hóa chất để khẳng định, hóa chất độc hại, chất cấm, thực phẩm bẩn đội lốt đã không chừa một sản phẩm nào. “Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình?", ĐBQH Phạm Trọng Nhân nói. 

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác

Không chỉ ĐBQH Phạm Trọng Nhân mà hầu hết các ĐBQH đều cho rằng có hạn chế, bất cập trong bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này khi 3 Bộ cùng quản lý nhưng khi sự cố xảy ra thì không biết truy ai. Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra quá ít; xử phạt hành chính quá nhẹ, không đủ sức răn đe; chưa có quy định xử phạt hình sự với vi phạm về ATTP, khiến cho tình trạng “văn bản có đủ nhưng thực thi chưa nghiêm, tình hình ngày càng nghiêm trọng”. Cộng với trách nhiệm của người sản xuất thấp, sẵn sàng vì lợi nhuận mà bỏ qua lương tri, khiến cho người dân Việt Nam đang hàng ngày phải sống chung với thực phẩm bẩn, nguy cơ bệnh tật rất cao.

Chúng ta cũng đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước về ATTP. Nhưng đến nay, một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn thì lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”, ĐBQH Phạm Trọng Nhân phát biểu rất khẩn thiết.

Nước ngọt làm từ nước lã, phẩm màu và đường hóa học

Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải: “Tại sao văn bản nhiều mà thực hiện không nghiêm, tình hình ngày càng trầm trọng? Đó là thực tiễn của chúng ta hiện nay, quản lý nhà nước dù đã nỗ lực nhưng ý thức nhà sản xuất chưa cao, vì thế mới có 2 luống rau, 2 chuồng gà. Người sản xuất vì lợi nhuận mà quên đi lương tri. Văn bản có hết mà vẫn vi phạm do cố tình, vì lợi nhuận, nên mới có chuyện nước ngọt được làm từ nước lã, phẩm màu và đường hóa học. Những vi phạm đều chủ yếu do cố ý làm trái với pháp luật. Quản lý nhà nước có chiếc gậy thì lại xử phạt quá nhẹ, trách nhiệm hình sự thì chưa quy định, nên gây chết người vẫn chưa bị truy tố”. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị tới đây cần sửa một số luật, trong đó có việc phải tăng xử phạt hành chính cũng như phải xử lý hình sự đối với tội phạm về ATTP, vì vừa qua nhiều vụ ngộ độc rượu gây chết người nhưng chưa truy tố được. Cùng với đó, hoàn thiện những quy chuẩn, tiêu chuẩn khoa học về những định mức, giới hạn cho phép sử dụng các loại hóa chất được sử dụng trong sản xuất thực phẩm. 

Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với việc phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn, như thế mới giúp cho người dân trở thành người tiêu dùng thông thái. Tới đây, sẽ bố trí hệ thống kiểm tra thực phẩm ở chợ, trung tâm thương mại để người dân có cơ hội trực tiếp kiểm tra thực phẩm. 

Hòa Bình (T/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu