13:59 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quảng Trị - Mảnh đất lửa anh hùng

08:17 27/07/2020

(THPL) - Chiến tranh đã lùi xa gần 4 thập kỷ, nhưng những dấu ấn hào hùng của cuộc chiến vẫn còn đậm nét trên mảnh đất Quảng Trị. Có lẽ ai đã từng một lần đến Quảng Trị hẳn không bao giờ quên được 2 địa danh Nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị. Những địa danh này đã ghi dấu về sự mất mát, đau thương nhưng cũng vô cùng tự hào của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Tháng 7 này, bầu trời Quảng Trị trong xanh, mảnh đất đầy cát trắng và gió Lào oi ả. Chạy dọc hai bên đường Trường Sơn (nay là đường Hồ Chí Minh) không còn những hố bom mà quân thù đã trút xuống, thay vào đó là màu xanh tươi tốt, non mượt đầy sức sống của cây lá và những ngôi nhà san sát nằm cạnh nhau.

Nghĩa trang Trường Sơn.

Đến với nơi yên giấc của các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn, ai cũng ngậm ngùi bởi đứng trước vong linh của những anh hùng đã khuất, chúng ta cảm thấy đang nợ những người đã ngã xuống, nợ Tổ quốc một điều gì đó thật lớn lao.

Ngày hôm đó, một người lính bạc phơ mái đầu quay trở lại Nghĩa trang Trường Sơn, thắp nén nhang cho đồng đội ngã xuống.

Rưng rưng dòng lệ, ông đứng đó hồi lâu, miệng lẩm bẩm, nét mặt khắc khổ bên những ngôi mộ với làn khói hương nghi ngút. Ẩn khuất sau những nấm mồ nghĩa trang, ký ức ùa về. Ông, như bao người lính may mắn còn lại sau cuộc chiến tàn khốc ấy, về đây, nơi những đồng đội còn đó.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi quy tập 10.263 hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn có diện tích 39,6ha với 5 khu được tọa lạc trên những vạt đồi bạt ngàn thuộc xã Vĩnh Tường huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi quy tập 10.263 hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Tháng 10/1975 nghĩa trang bắt đầu được xây dựng và hoàn thành vào tháng 4/1977. Tuy nhiên, từ cuối năm 1974, những ngôi mộ liệt sĩ đầu tiên đã được quy tập về đây.

Thành cổ Quảng Trị.

Từ Nghĩa trang Trường Sơn đến Thành cổ Quảng Trị, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam giữ nước. Cỏ non Thành cổ hôm nay xanh tươi biết mấy, nhưng dưới lớp đất kia là những người con dũng cảm, kiên cường.

Ngày ấy, Thành cổ, hàng ngàn tấn bom, đạn pháo đủ loại đã dội xuống. Ngày ấy, 81 ngày đêm khói lửa không rời trận địa. Ngày ấy, những trường hào hùng về sự đoàn kết dân tộc, tình thân, tình đồng đội. Người lính già đứng lặng. Đồng đội của ông ở đó. Họ đã hóa thân vào màu xanh đất trời nơi Thành cổ, hòa tan vào dòng nước trong xanh sông Thạch Hãn. Cảm xúc dâng trào.

Để làm dịu đi những nỗi đau vẫn hằn sâu, dai dẳng trên thân thể những người vì Tổ quốc mà chịu nhiều thiệt thòi, cũng là tri ân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những hành động bình dị, những việc làm mang ý nghĩa cao cả vẫn đang hằng ngày diễn ra.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng nỗ lực để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam có được cuộc sống tốt nhất. Hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; có hơn 50% số hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế… Hiện còn nhiều hồ sơ và hàng triệu người là nạn nhân đang chờ được hưởng chính sách ưu đãi.

Đó vừa là sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ động viên của cộng đồng, xã hội, vừa là các chính sách của Đảng và Nhà nước tới đời sống, tinh thần của những thương, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam nói riêng…

Thành cổ Quảng Trị.

“Tự hào và xúc động là những cảm xúc khi được bố tôi kể lại những năm tháng chiến tranh, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ ông đã lên đường nhập ngũ cống hiến cho tổ quốc và nhân dân. Từ chiến trường trở về, mặc dù trên thân thể mang đầy thương tích của chiến tranh để lại, nhưng trong lòng ông luôn giữ một tinh thần lạc quan và yêu đời. Có lẽ đó chính là cái đức tính thật thà chất phát nhưng cũng không kém lòng dũng cảm kiên cường, thừa hưởng những đức tính đó từ cha ông. Là một người con của mảnh đất miền trung, dù đi đâu! ở đâu! Tôi luôn tự hào về nơi mình đã được sinh ra.

Dẫu chiến tranh đã đi qua, cuộc đời không như ý nhưng tôi vẫn luôn khâm phục và cảm ơn những người lính trong cuộc chiến tranh ấy. Đôi khi, bố tôi vẫn hay ngồi kể, hoài niệm về những năm tháng đã qua và kỷ niệm khó quên của một thời quân ngũ. Bố nói, vào cái thời Quảng Trị ngập tràn khói lửa, đạn bom, những người lính còn rất trẻ và đều tình nguyện lên đường chiến đấu, bỏ lại phía sau gia đình và người thân, sự lãng mạn của tuổi trẻ, tình yêu... để xả thân nơi chiến trường ác liệt; nơi mỗi con đường, mỗi bước chân, nắm đất... đều ẩn sâu những mất mát, hy sinh của người lính để đất nước được độc lập, tự do cho Tổ quốc ngày hôm nay. 

Bố tôi quan niệm thật đơn giản “Khi đất nước cần thì mình sẵn sàng làm tròn trách nhiệm của một thanh niên với đất nước” hoàn thành nhiệm vụ thì khép quá khứ lại sau lưng.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải

Được biết, tỉnh Quảng Trị ở vị trí trung độ của cả nước, nơi có Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Cũng tại nơi đây, đã từng diễn ra những cuộc "chọi loa", "chọi cờ" quyết liệt trong Chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ đó, cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai miền: miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, miền Nam do Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hoà quản lý, trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975.

Cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở khắp miền đất nước, song đến khi hai miền bị chia cắt trong cuộc chiến (1954 - 1975) thì dòng sông Bến Hải và mảnh đất đôi bờ trở nên nổi tiếng. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành "nhân chứng lịch sử" trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước. Cụm di tích gồm tại đôi bờ Hiền Lương: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng Vĩ tuyến 17.

Cột cờ giới tuyến.

Vì thế, Quảng Trị trở thành một trong những chiến trường giao tranh khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ, 45 năm sau giải phóng, tỉnh Quảng Trị thực sự đã vươn lên mạnh mẽ với những kết quả toàn diện và nổi bật, từng bước xây dựng một Quảng Trị tươi đẹp và phát triển. Đến ngày hôm nay, thương mại, dịch vụ đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.

Du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh thắng được trùng tu, tôn tạo, khôi phục và khai thác phục vụ du lịch. Những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, Thành Cổ, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ... của một thời hoa lửa, nay là điểm đến của du lịch hòa bình.

Địa đạo Vịnh Mốc..

Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Trị nhiều thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Với truyền thống anh hùng và niềm tin, khát vọng vươn lên, Quảng Trị hôm nay không ngừng đổi mới và phát triển, đất lửa hồi sinh kỳ diệu, những dãy núi đồi trùng điệp phủ một màu xanh tràn đầy sức sống. Quảng Trị đang ngày một phát triển để xứng đáng với sự hy sinh của những người lính.

Tạm biệt nhé Quảng trị thân yêu!

Diệu Huyền

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu