07:29 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phương án bỏ thi THPT Quốc gia gây nhiều tranh cãi

Phương Linh (tổng hợp) | 14:51 17/04/2020

(THPL) - Nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT nêu mong muốn vẫn tổ chức thi. Việc giữ ổn định kỳ thi tránh được nhiều xáo trộn, đặc biệt với học sinh. Hiện nay, số lượng học sinh có nhu cầu thi đại học rất lớn.

Dù Bộ GD&ĐT đã công bố tinh giảm chương trình, công bố đề thi minh họa nhưng câu chuyện bỏ hay giữ kỳ thi THPT Quốc gia vì dịch Covid-19 vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia giáo dục. 

Theo 2 phương án tổ chức thi THPT quốc gia được Bộ đề ra bao gồm trường hợp học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức từ ngày 8 đến 11/8 và Bộ sẽ xem xét giảm môn thi, giảm nhẹ yêu cầu.

Nếu trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ GD-ĐT dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.

Theo báo VTC News, ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, từ ngày 2/3 tỉnh cho học sinh THPT đi học trở lại. Đến thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, học sinh THPT của Hải Dương học tập trung tại trường được 4 tuần. Theo rà soát chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT, Sở tính toán khối lượng kiến thức còn phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần để kết thúc năm học.

Còn theo ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết, học sinh THPT học được hơn một tháng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo chương trình chưa tinh giản thì học kỳ 2 lớp 12 có 18 tuần, học sinh tỉnh Bắc Kạn đã học được 5 tuần nên còn 13 tuần. Sau khi Bộ GD&ĐT tinh giản chương trình, khối lượng và thời lượng kiến thức cần học được rút ngắn lại. "Chúng tôi tính toán, nếu học sinh đi học dù muộn hơn một chút so với mốc 15/6, thì các em vẫn hoàn thành được chương trình và dự thi THPT quốc gia”, ông Quyên nói.

Tại Nam Định, trong suốt thời gian học sinh nghỉ do dịch, tỉnh tổ chức dạy học trên truyền hình và internet cho học sinh, kết hợp với đánh giá thường xuyên để theo sát tiến độ hểu bài của học sinh. Do đó, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng, tỉnh hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kết thúc năm học trước 15/7 như khung thời gian quy định của Bộ. Học sinh lớp 12 cũng đảm bảo được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản theo chương trình đã tinh giản và ôn tập dự thi THPT quốc gia.

Hiện một số địa phương đã bắt đầu cho học sinh đi học trở lại. Tỉnh Cà Mau cho học sinh lớp 9 và 12 đến trường trở lại từ ngày 20/4. Tỉnh Vĩnh Long cũng quyết định cho học sinh khối lớp 9 và 12 đến trường vào ngày 27/4.

Hiện một số địa phương đã bắt đầu kế hoạch cho học sinh đi học trở lại (ảnh minh họa)

Trên thực tế, đối với những địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp, việc cho học sinh đi học trở lại đang được tính toán sớm nhất có thể trước thời hạn các kỳ thi tuyển sinh đang đến gần.

Theo báo Nhân dân, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nước trên thế giới cũng có nhiều giải pháp để xử lý tình huống. Cụ thể với các quốc gia, vùng lãnh thổ tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia, số lượng môn thi tương đối đa dạng. Như Hàn Quốc là 7+1, trong đó, 7 môn bắt buộc, 1 môn tự chọn); Ucraina 3 môn; Hungary 4+1; Thái Lan 5 môn. Ba môn: Toán, Văn học và Ngoại ngữ thường là bắt buộc và các môn khác có mặt trong kỳ thi thường là: Lịch sử, Địa lý, Sinh vật, Vật lý, Hóa học. Có một số nước ghép môn số nội dung/môn học thành môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội. Một số nước có các môn tự chọn là: âm nhạc, mỹ thuật, thể dục…

Thời gian tốt nghiệp của các nước khá đa dạng, nhưng phần lớn kết thúc năm học vào tháng 5 hoặc tháng 6. Có một số ít nước kết thúc năm học vào cuối năm dương lịch và lịch học năm mới vào đầu năm như: Australia, New Zealand, Nhật Bản…Ở các quốc gia này, hoạt động đánh giá tốt nghiệp sẽ đỡ bị ảnh hưởng hơn bởi dịch Covid-19.

Còn đối với công tác tổ chức thi và xét tốt nghiệp năm 2020, có thể chia thành bốn nhóm chính như sau:

Nhóm hủy thi tốt nghiệp: Indonensia, Anh, Pháp. Các nước này lấy điểm của quá trình học tập, thí dụ như 5 học kỳ cuối.

Nhóm lùi thi tốt nghiệp: Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga, Ucraina, Belarus, Hungary, Malaysia: Thời gian lùi từ 2 ngày đến 3 tháng tùy vào thời gian cách ly “giãn cách” xã hội. Có nước dự kiến chia kỳ thi quốc gia này thành hai đợt: đợt 1 cho những địa phương bị ảnh hưởng ít và đợt 2 cho các địa phương ảnh hưởng kéo dài (Trung Quốc, Ucraina).

Nhóm chưa có kế hoạch cụ thể (khả năng sẽ lùi): Belarus, Singapore (hủy kỳ thì giữa kỳ nhưng kỳ thi cuối năm kéo dài và kết thúc vào cuối tháng 11 đầu tháng 12).

Nhóm không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời gian tốt nghiệp và cách thức xét tốt nghiệp: Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Những nước này sẽ xét tốt nghiệp trên cơ sở kết quả học tập trong năm của học sinh và kết hợp với một bài kiểm tra hay thi cuối cùng để lấy điểm xét tốt nghiệp, như: Nhật Bản có kỳ thi tuyển sinh vào đại học tổ chức vào tháng 1 hoặc 2 hằng năm; Australia và New Zealand xét tốt nghiệp vào tháng 11 hàng năm.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu