14:55 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phá dỡ 600 mét thuộc con đường gốm sứ để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân

14:19 08/06/2020

(THPL) - Để thực thi dự án mở rộng đường Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân, 600 mét thuộc con đường gốm sứ đang bị phá dỡ.

Con đường gốm sứ là một công trình nghệ thuật chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long của nhân dân Thủ đô Hà Nội. Công trình này đã nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội” năm 2008 và Tổ chức Guinness thế giới đã công nhận đây là “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới”. Trong hơn 10 năm qua, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” trở thành biểu tượng của Thủ đô.

Tuy nhiên, mới đây nhằm phục vụ việc mở rộng đường Âu Cơ để xây dựng cầu vượt tại nút An Dương - Thanh Niên, con đường gốm sứ bị phá hơn 600m (đoạn ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu) trong sự tiếc nuối của nhiều người.

Cụ thể, từ đầu tháng 6, hàng chục công nhân dựng rào tôn quây quanh khu vực ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu. Máy xúc phá dỡ bức tường bê tông, nơi gắn các bức tranh, sau đó đào sâu xuống 5 m để đổ móng đường. Các đoạn tranh gốm có chủ đề "mùa xuân", "phố cổ Bùi Xuân Phái", "Hà Nội xưa và nay"... bị đập bỏ toàn bộ, những mảng gốm màu vương vãi ven đường.

Theo báo Dân trí, hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tiếc vì phá dỡ đoạn tranh gốm dài 600m ở khu vực ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu. Đoạn tranh này có nhiều bức tranh gốm quý tái hiện phố cổ của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, đoạn tranh của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO)... Những đoạn tranh này là tình yêu, tình cảm của rất nhiều tổ chức dành cho Thủ đô Hà Nội, kể cả công sức của các nghệ sĩ, các nhà tài trợ để tạo nên từng mảnh gốm trên bức tranh.

Việc phá dỡ đoạn tranh gốm chắc chắn có ảnh hưởng đến Kỷ lục Guinness Thế giới. Tôi sẽ phải báo cáo con số này đến Tổ chức Kỉ lục Guinness Thế giới và với lời hứa là sẽ xin làm đền bù lại. Thậm chí chúng tôi có thể tạo nên một kỉ lục mới”.

Phá dỡ 600 mét thuộc con đường gốm sứ để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân (Nguồn: Internet)

Nhà văn, nhà “Hà Nội học” Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, con đường gốm sứ ven sông Hồng gồm nhiều chủ đề, mỗi đoạn kể một câu chuyện khác nhau. Vì thế, nếu có đập đi 600m thì cũng không ảnh hưởng chung đến bức tranh tổng thể.

“Trước nay, phát triển luôn mâu thuẫn với bảo tồn. Con đường gốm sứ ven sông Hồng cũng đã tồn tại hàng chục năm nay, mọi người đã quen mắt, quen hình. Tuy nhiên, con đường đó không thể không mở rộng bởi nó là đoạn đường chúng ta thường đón các đoàn ngoại giao đi từ sân bay Nội Bài về và cũng là đường dân sinh rất quan trọng.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù việc phá dỡ đoạn tranh gốm 600m là điều đáng tiếc nhưng cũng phải chấp nhận vì giao thông đoạn đường này cũng rất quan trọng. Việc mở rộng đoạn đường sẽ giải quyết được bài toán ách tắc cũng như đảm bảo hơn về mặt lưu thông cho tuyến đường trọng yếu.

Theo báo Vnexpress, theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, việc phá dỡ này là "bắt buộc", nhằm phục vụ thi công giai đoạn hai của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân), tổng chiều dài 3,7 km. Đây là dự án đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa ùn tắc, kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình, được HĐND TP phê duyệt cuối năm 2018.

"Chúng tôi đã báo cáo thành phố và thông báo cho tác giả con đường gốm sứ. Các bức tranh không thể tháo dỡ, tái sử dụng. Khi dự án hoàn thiện sẽ có tường chắn bê tông cốt thép cao, rộng hơn, nếu nghệ sĩ muốn tiếp tục trang trí, chúng tôi sẽ giúp đỡ họ để làm đẹp cảnh quan đô thị", ông Tuấn nói.

Được biết, con đường gốm sứ" bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp. Bức tranh có 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng. Năm 2010, công trình hoàn thiện gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới".

Năm 2015, UBND TP Hà Nội nghiên cứu Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên, với tổng mức đầu tư hơn 815 tỷ đồng. Giai đoạn một, dự án đã xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, đưa vào sử dụng tháng 10/2018. Giai đoạn hai của dự án được khởi công cuối tháng 12/2019, đoạn đường từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân, tổng chiều dài 3,7 km, được mở rộng mặt đê, thay một phần đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép.

Anh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu