18:43 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ông chủ của Tân Hiệp Phát và con gái đối mặt với bản án hình sự

| 20:16 13/01/2017

(THPL) – Phiên toà phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh và đồng bọn đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận vì đây là "đại án" kinh tế với số tiền thất thoát lớn nhất trong lịch sử tố tụng nước ta, 9000 tỷ đồng. Bên cạnh hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Đại Tín bị vướng vòng lao lý, bất ngờ có thêm tên cha con ông chủ Tân Hiệp Phát, ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích.

Hợp đồng vay giả tạo để hợp lý hoá 5.190 tỷ đồng   

Ngày 10/1/2017, tại phiên tòa, cha con ông Trần Quý Thanh - bà Trần Ngọc Bích và 13 người liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo về việc không đồng ý thu hồi 5.190 tỉ đồng và đề nghị giải chấp 13 sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu này, đồng thời đưa ra nhận định, cha con ông chủ Tân Hiệp Phát, ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích là đồng phạm giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh. 

Cơ sở của nhận định này liên quan đến việc rút số tiền 5.190 tỉ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỉ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại 5.490 tỉ liên quan đến cha con ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích.
 Công tố viên phân tích, số tiền 5.190 tỉ đồng được giải ngân bằng các hành vi vay giả tạo, gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB. Phạm Công Danh được xác định là đúng vai trò chỉ đạo hành vi này. Các khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh và một số khách hàng khác có liên quan đến số tiền nêu trên.

Theo VKS, họ đã không thực hiện đúng mục đích tiền vay. Số tiền này thực chất là thực hiện theo thỏa thuận vay giữa Phạm Công Danh và ông Trần Quý Thanh.

VKS khẳng định án sơ thẩm khẳng định vai trò chỉ đạo của Phạm Công Danh và các đồng phạm, đồng thời khởi tố Phạm Thị Trang (Trang "phố núi") là có căn cứ. Nhưng tòa sơ thẩm chưa xem xét vai trò của khách hàng liên quan hành vi này là bỏ lọt người phạm tội. Ông Thanh, bà Bích giúp sức tích cực cho Danh đạt được mục đích rút tiền khỏi ngân hàng. Ngoài ra bà Bích và bà Trang có quan hệ vay nhận lãi nhiều lần...

Từ đó VKS đề nghị bác kháng cáo của nhóm ông Thanh và bà Bích liên quan đến việc không tịch thu số tiền 5.190 tỉ, trả lại sổ tiết kiệm, giải tỏa tài sản kê biên...

Đặc biệt, công tố viên kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự của ông Thanh và bà Bích cùng một số cán bộ ngân hàng giúp sức cho Phạm Công Danh rút 5.190 khỏi ngân hàng.

 Bên cạnh đó, cần làm rõ, truy thu thuế thu nhập cá nhân và xem xét hành vi trốn thuế của nhóm bà Bích đối với hơn 16.000 tỉ đồng cho vay. Cấm xuất cảnh với các đối tượng có liên quan bị án sơ thẩm khởi tố và những người bị VKS đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tại phiên xử này.

Luật sư của Tân Hiệp Phát: Đây là giao dịch dân sự hợp pháp 

Luật sư đã phát biểu trong phần tranh luận là các giao dịch giữa bà Bích và ông Thanh không nằm trong vụ án này, đây là giao dịch dân sự có chứng từ hợp pháp. Những lời khai lãi ngoài hợp đồng và số tiền vay lên đến hàng ngàn tỉ đồng là không có cơ sở. 

Về khoản tiền 5.190 tỉ đồng, bà Bích không đồng thuận, không biết bị rút 5.190 tỉ đồng trong tài khoản. Không có chứng từ thì không thể chuyển tiền. Không có lý do gì để đồng thuận cho vay không chứng từ rồi lại cuối cùng đi kiện đòi tiền. Theo các luật sư của bà Bích, số tiền này chuyển ra khỏi tài khoản bà Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản là vi phạm quy định. Ngay tại phiên tòa, khi nghe quan điểm bào chữa này của luật sư phía bà Bích, ông Danh lao tới trước vành móng ngựa xin được đối chất. Tuy nhiên, HĐXX bác yêu cầu của ông Danh, vì luật sư trình bày quan điểm chưa xong. (Trước đó, ông Danh đã khẳng định trước Toà, chính ông Trần Quý Thanh đã hại mình chứ không phải là đồng phạm giúp mình – PV). 

Phạm Công Danh đã từng khẳng định trước Toà, chính ông Trần Quý Thanh đã hại mình.

Luật sư cũng khẳng định, tất cả khoản vay 5.190 tỉ đồng thực hiện đúng quy định của pháp luật và của ngân hàng. Hồ sơ chưa phát sinh tài liệu chứng cứ nào mới so với sơ thẩm. Cách đặt vấn đề của VKS là đang lắp ghép hành vi của các cá nhân, nếu sai cũng chỉ là quan hệ dân sự. Sự lắp ghép này tạo nên sự phi lý là ông Thanh, bà Bích đồng thuận để Phạm Công Danh rút tiền của họ. 

Đối với việc VKS kiến nghị cấm xuất cảnh ông Thanh và bà Bích trong khi vụ việc chưa rõ ràng, họ chưa phải là bị can, bị cáo cũng như việc kiến nghị truy thu thuế và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Thanh, bà Bích, luật sư đều đề nghị Tòa không chấp nhận.

Một diễn biến khác đáng chú ý liên quan đến vụ án là cũng trong tối 10/01/2017, bất ngờ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 cá nhân nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín. Trong những người bị khởi tố, bắt tạm giam có ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Trần Sơn Nam, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín. Có thể nói, với việc khởi tố tại toà, bắt tạm giam liên tiếp 7 người, cấm xuất cảnh…là một "tín hiệu xấu" với cha con ông chủ Tân Hiệp Phát trong vụ án này.

Sơn Tùng (tổng hợp) 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu

  • Tìm hiểu Smoovy cho phụ nữ