00:59 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những nghệ sĩ “đặc biệt” của KT Band cùng niềm đam mê mãnh liệt với nhạc cụ dân tộc

17:31 27/07/2022

(THPL) - Những con người đặc biệt tạo nên một ban nhạc đặc biệt, đó chính là những gì người ta thường nhớ ngay khi nhắc đến KT band, do nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh dìu dắt suốt nhiều năm trở lại đây.

Nghệ sĩ Vân Anh là nữ nghệ sĩ đàn bầu tại TPHCM với hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành âm nhạc dân tộc. Có lẽ vì tình yêu dành cho những giá trị truyền thống mà chị khá nặng tình với những nghệ sĩ trẻ đam mê bộ môn này.

KT band – “ngôi nhà chung” của các nghệ sĩ khiếm thính với niềm đam mê nhạc cụ dân tộc.

Những người yêu mến Nghệ sĩ Vân Anh đều biết, ngoài công việc biểu diễn chị còn là người đứng ra dìu dắt một ban nhạc mang tên KT band với các thành viên đều bị khiếm thị. Điều đặc biệt của ban nhạc này chính là quy tụ được những nghệ sĩ trẻ bao gồm cả chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp nhưng có chung một niềm đam mê mãnh liệt với nhạc cụ dân tộc Việt Nam.

Nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh – một trong những nghệ sĩ hiếm hoi tại TP.HCM có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn nhạc cụ dân tộc.

Theo tìm hiểu, năm 1989, nghệ sĩ Vân Anh tốt nghiệp Đại Học chuyên nghành Đàn Bầu tại Nhạc Viện TPHCM. Sau khi tốt nghiệp Nhạc Viện, chị đã có khoảng thời gian giảng dạy nhạc cụ dân tộc tại trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.

Nơi đây, chị đã thấu hiểu được những sự cố gắng của các bạn để vượt qua những khó khăn trong việc học và biểu diễn.  Sau nhiều chuyến lưu diễn, năm 1996, chị đã thành lập nhóm nhạc dân tộc Hương Sen. Ban nhạc quy tụ các anh chị em nghệ sĩ nhạc cụ dân gian có tiếng ở TPHCM để cùng chia sẻ, phát triển và biểu diễn các chương trình trong và ngoài nước. 

Năm 2007, Ban nhạc Hương Sen đổi tên thành Ban nhạc Vân Anh và đồng thời chị sáng lập Vũ đoàn Vân Anh – biểu diễn những tiết mục múa dân gian Việt Nam. Vũ đoàn Vân Anh đã có 1 bộ sưu tập với hơn 20,000 bộ quần áo và phụ kiện dân gian của Việt Nam, kèm theo đó là  rất đa dạng nhiều bài múa khác nhau chia thành nhiều khu vực như: Múa chuốc rượu (Huế), múa nón lá, Múa quạt, Múa sen, Múa mâm…

Nghệ sĩ Vân Anh đang hướng dẫn cho khách tham quan cách chơi nhạc cụ dân tộc. Đối với chị, việc để các bạn trẻ có dịp tiếp cận với bộ môn này cũng là cách đơn giản nhất giúp chúng ta phần nào bảo tồn và phát huy nó.

Đến năm 2012, nghệ sĩ Vân Anh quyết định “đánh liều” khi thành lập Ban nhạc KT – “K” là khiếm. “T” là thị. Ban nhạc KT quy tụ những học sinh, sinh viên, giáo viên khiếm thị. “Ngày đó nghĩ mình đúng là liều thật. Tiền thì thiếu, việc thì ít bản thân chưa lo xong lại còn ôm thêm các em. Mà dạy người khiếm thị chơi nhạc cụ đã khó, đưa họ đi biểu diễn một cách chuyên nghiệp lại càng khó hơn. Nhưng không hiểu sao ngày đó tôi vẫn quyết tâm thành lập ban nhạc để rồi hôm nay, đây thật sự vừa là sân chơi vừa là nồi cơm của chúng tôi”, nghệ sĩ  Vân Anh nhớ lại.

Trải qua nhiều thế hệ với hàng chục năm hoạt động chị Vân Anh đã truyền ngọn lửa âm nhạc dân tộc đến các thành viên trẻ trong band vượt qua rất nhiều khó khăn để cùng nhau luyện tập và biểu diễn. Điều khiến nhiều người tò mò là các thành viên trong nhóm đều gọi chị là mẹ một cách rất tự nhiên và đầy cảm xúc.

Bạn Phạm Văn Hai trưởng nhóm  KT band tâm sự: “Tôi gặp mẹ Vân Anh trong một lần mẹ  đến thăm và diễn tại  trường tôi. Tôi khát khao được một lần đứng trên sân khấu cháy cùng khán giả nên đã tâm sự với mẹ và nhanh chóng được mẹ đón nhận.

Bạn Phạm Văn Hai – trưởng nhóm KT band trong một buổi biễu diễn phi lợi nhuận tại TP.HCM.

Đối với cá nhân chúng tôi, việc đi lại đã khó chứ nói gì đến biểu diễn chuyên nghiệp. Nhà chúng tôi khá xa nhau nên không có điều kiện đi tập thường xuyên. Mỗi lần có dịp tập luyện chúng tôi phải đi xe ôm nên chi phí khá tốn kém. Những khoản đó đều là tiền túi của mẹ, để dành toàn bộ doanh thu ít ỏi cho chúng tôi trang trải cuộc sống.

Có những show diễn không lương, mẹ tôi cũng bỏ tiền túi ra để hỗ trợ chi phí đi lại và cho chúng tôi tiền lương show, cho chúng tôi một chút động lực bám trụ với nghề . Tất cả trang phục biểu diễn, nhạc cụ, phòng tập của nhóm là một tay mẹ lo hết… thậm chí từng cái bánh ngọt, từng ly nước lọc tiếp sức giũa giờ cũng được mẹ chuẩn bị chu đáo vì sợ book trên app hoặc mua ở ngoài lại tốn kém hơn.

Ngòai ra, chúng tôi không thể nhìn được bản nhạc, chúng tôi phải nghe và ghi nhớ. Nên quá trình tập luyện cho một tiết mục hoàn chỉnh cũng phải mất nhiều thời gian”.

Để có được một tiết mục hoàn chỉnh đôi khi cả nhóm phải mất nhiều tháng trời khổ luyện…

Theo chia sẻ của nghệ sĩ Vân Anh, đa phần các nhạc công, nghệ sĩ trong ban nhạc của chị đêù phải mất gấp đôi thậm chí gấp ba thời gian để có thể hoàn thành một tiết mục. Mỗi người một nhạc cụ khác nhau nên việc chị tập luyện, chuốt bài, giảng dạy…cho các bạn cũng mất nhiều thời gian hơn bình thường. Đến thời điểm hiện tại, sau một thời gian rèn luyện KT band đã có các thành viên chơi các nhạc cụ chuyên nghiệp như: Phạm Hai (đàn bầu), Lê Nhung (đàn tranh, ca sĩ ), Lê thanh Phùng (organ), Lộc Như (sáo dọc), Trần Lộc (sáo trúc, guitar), Thùy Dương (bộ gõ), Hà văn Đông (trống, ca sĩ )...

“Cái khó nhất của tôi chính là nắm tay chỉ bảo từng bạn một cách cầm nắm, cách cảm nhận các nhạc cụ bằng đôi tay thay vì đôi mắt. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới biết được điều đó khó đến mức nào. Có những bạn mất nhiều tháng trời, thậm chí cả năm mới có thể biểu diễn chuyên nghiệp. Bản thân tôi lại là người cầu toàn, mong muốn mang đến những tiết mục thật sự chất lưọng nhất để ban nhạc không bị mang tiếng.

Hai ngưởi con của nghệ sĩ Vân Anh, nghệ sĩ sáo trúc Hoàng Minh và nghệ sĩ trống Dru Nam luôn ủng hộ, đồng hành với mệ trong việc giúp KT Band tập luyện và biểu diễn.

Tôi nghĩ đơn giản, đây không chỉ là niềm đam mê nữa mà nó chính là cần câu cơm, là công cụ kiếm sống của cả chúng tối. Bản thân mình nếu làm không tốt thì sẽ bị đào thải, mất đi cơ hội kiếm sống và làm nghề. Thời buổi thị trường cạnh tranh gay gắt nên tôi không cho phép mình vấp phải một sai lầm nào. 

Bản thân tôi vân luôn dạy bảo các em rằng, chúng ta không cần sự thương hại, chúng ta cần cơ hội và biến nó thành mục đích hoạt động của cả đội. Chúng ta lao động bằng sức của chính mình, kiếm được những đồng tiền chính đáng và đầy thuyết phục chứ không phải nhận được sự chu cấp từ bất kì ai như cách mà nhũng người ăn xin chờ sự bố thí.

Tôi biết hiện tại tôi không còn sống cho chính mình nữa, mọi sự cố gắng của tôi có liên quan trực tiếp đến thành bại của các em, thậm chí là cả sự sống còn nữa”, nghệ sĩ Vân Anh tâm tình.

Huy Khôi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu